Chính sách

Đa dạng hình thức bồi thường đất để phù hợp điều kiện từng địa phương

Để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ thống nhất, việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là cấp thiết.

Bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dựa trên bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có những điều luật và chương được kế thừa quy định của Luật Đất đai 2013 và sửa đổi bổ sung một số điều. 

Tại chương I về Quy định chung đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, bổ sung tại khoản 5, khoản 10 Điều 13 lần lượt quy định về nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế không đúng quy định của pháp luật và không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.  

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung thêm 1 chương và giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Chương V về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hoàn thiện bổ sung thêm đối tượng giao đất không thu tiền tại khoản 3 Điều 56 về người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bổ sung khoản 6 điều 56 về Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.

Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại khoản 1 Điều 60. 

Dự thảo này cũng chú trọng vào tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định.

Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đảm bảo sinh kết bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi; khắc phục tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư,

Chương VII sửa đổi bổ sung nguyên tắc theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi dể phù hợp với nhu cầu người sử dụng đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Tại chương VII bổ sung thêm về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 3 Điều 94 nội dung về quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Nguồn tài chính của Quỹ được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Tại điểm d khoản 2 Điều 94 được bổ sung về các hỗ trợ khác không thông qua đấu giá.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nội dung dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực có liên quan