Sự kiện

Cựu viện phó VKSND “nựng” bé gái, thầy cô vào nhà nghỉ “chữa” sốt rét: Sống bằng ảo tưởng của sự biện minh để vớt vát danh dự?

Sau khi những hành động của mình bị phát tán trên mạng xã hội, bị dư luận lên án thì những nhân vật trong clip lại có những lời lẽ biện minh nhưng lời biện minh đó càng khiến dư luận bức xúc. Lý do vì sao?

Có thể nói, thời gian gần đây vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều hơn cả đó là việc nguyên cựu viện phó VKSNN TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có hành vi lệch chuẩn với bé gái trong thang máy tại TP.HCM.

Vụ việc đã thu hút rất nhiều những ý kiến đánh giá, phân tích của các bên liên quan, trong chiều ngày 21/4 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên viện phó VKSND TP Đà Nẵng) về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS năm 2015, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp để phê chuẩn theo đúng quy trình tố tụng.

Lời giải thích ban đầu của ông Nguyễn Hữu Linh rằng chỉ là "nựng" khiến dư luận bức xúc. 

Tuy nhiên, trước đó khi làm việc với cơ quan công an, ông Linh thừa nhận mình uống 1 chai bia trước khi về tới chung cư Galaxy 9 và có hành động dâm ô với bé gái. Thế nhưng, người này cho rằng hành động của mình với bé gái chỉ là “nựng”. 

Việc giải thích “nựng” này đã một lần nữa khiến dư luận “dậy sóng” và không thể chấp nhận được lời biện minh đó khi mà hình ảnh trong camera đã ghi lại. 

Chưa hết, mới đây nhất, sự việc hai thầy cô giáo ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn vào nhà nghỉ "ôm nhau chữa sốt rét" cũng khiến dư luận cho rằng lời giải thích này không thể chấp nhận được và chỉ là bao biện.

Từ sự việc này, nhiều người băn khoăn không hiểu lý do gì khi phạm lỗi, con người thường tìm cách né tránh trách nhiệm để tìm cho mình một sự an toàn. Nhưng, chính sự né tránh đó càng khiến người ngoài, dư luận nhìn vào thêm bức xúc. Để hiểu rõ hơn tâm lý bao biện khi mắc lỗi, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

TS.Nguyễn Thị Minh phân tích: “Về nguyên tắc, con người thường có những phản ứng tâm lý đến từ những yếu tố sau: Thứ nhất, về mặt giáo dục một cá nhân khi được giáo dục trong gia đình là chịu trách nhiệm dám nhận ra sai lầm, nhận hậu quả thì với lối giáo dục này con người sẽ không biện minh. Thứ hai, về mặt nhận thức, do quan điểm và nhận thức của người có hành động xấu họ nhận thấy rằng biện minh có lợi cho họ, có những lần biện minh trước đó họ thấy có lợi nên tiếp tục biện minh.  

Thứ ba, bản thân họ là những người có vị trí, địa vị nên sức ảnh hưởng trong xã hội rất lớn. Vì thế, khi đứng trước sự việc họ không dám đối mặt, sợ hậu quả. Tôi lấy ví dụ như vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, nếu là “nựng” thì hậu quả sẽ khác, nhưng còn ở hành vi khác nặng hơn, có thể sẽ bị đi tù, thanh danh sẽ bị ảnh hưởng không chỉ bản thân họ mà cả gia đình, các mối quan hệ khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nên khi mắc sai lầm thì hầu hết mọi người thường biện minh”.  

Việc hai thầy cô vào nhà nghỉ, người trong cuộc lên tiếng bị sốt rét và ôm nhau cho ấm cũng khiến nhiều người không tin được (Ảnh cắt từ clip).

Mặc dù phân tích những yếu tố khiến người phạm sai lầm luôn có tâm lý bao biện, biện minh. Thế nhưng, nhiều người cho rằng việc này càng khiến cho dư luận thêm bất bình với những lời biện minh ngô nghê, thậm chí là khó chấp nhận được. TS. Nguyễn Thị Minh cho biết: “Việc biện minh nó hình thành một thói quen, với những người nhận thức sâu sắc thì thấy hành động biện minh khi sự thật đã được phơi bày, đó là lố bịch, nhưng một số người nhận thức hời hợt thì họ chấp nhận hành vi biện minh nên cứ ăn theo lợi ích này. Còn những người phẫn nộ là bởi họ muốn đấu tranh cho sự công bằng, hoặc thấy hậu quả của hành vi xấu không được trừng trị nghiêm thì sẽ để lại hậu quả tiêu cực sau này… Tôi thấy, có người sống bằng ảo tưởng của sự biện minh là để vớt vát danh dự nên hành vi biện minh, bao biện vẫn tồn tại được”.

Và để không còn xuất hiện những lời biện minh cho hành động sai trái, TS. Nguyễn Thị Minh cho rằng: “Để thoát được hành vi biện minh, đầu tiên phải đến từ giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội cần phải dạy cho con người tính chịu trách nhiệm, phương pháp giáo dục cũng cần làm là nhận hậu quả và trách nhiệm.

Thêm nữa, cần trang bị nhận thức để hiểu hậu quả thay vì phải chấp nhận hậu quả. Nếu đủ nhận thức thì không gây ra hành vi xấu nữa. Khi đứa trẻ làm đúng phải được khen thưởng, từ đó hình thành nên hành vi đúng. Tiếp nữa, pháp luật cần phải có sự trừng phạt đủ sức răn đe, cần phải có sự đấu tranh của các lực lượng xã hội, truyền thông lên án các hành động, lời biện minh không hay. Như vậy, sẽ không ai còn nghĩ hay đưa ra những lời biện minh gây bức xúc, hay khôi hài trong xã hội nữa”.