Hồ sơ điều tra

Cựu Trưởng quỹ "thụt két" 74 tỷ đồng lĩnh án chung thân

Cựu Trưởng quỹ chi nhánh ngân hàng An Bình khai lợi dụng sự chểnh mảng của cấp trên để tham ô tài sản song “bị cáo không được sử dụng một đồng nào để tiêu riêng”.

Cựu Trưởng quỹ chi nhánh “thụt két” 74 tỷ đồng

Ngày 26/11, TAND Tp.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Đình Đạt (SN 1983, ở Thái Bình, cựu Trưởng quỹ - Phòng giao dịch nội bộ và giao dịch 3 thuộc chi nhánh Hà Nội Ngân hàng TMCP An Bình) tù chung thân về tội Tham ô tài sản.

Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này, các bị cáo Phan Thanh Đăng (SN 1963, cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm nhiệm Trưởng phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt – ABBank), Nguyễn Kiều Hương (SN 1982, cựu Trưởng phòng giao dịch nội bộ và giao dịch 3 ABBank), mỗi người bị phạt 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Chung số phận với Đăng và Hương, bị cáo Phạm Công Thủy (SN 1990, thủ quỹ ABBank) nhận 27 tháng tù.

Quá trình mở tòa, hành vi phạm tội của các bị cáo bị phơi bày qua từng trang cáo trạng và phần xét xử công khai. Theo đó, Ban quản lý kho quỹ Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt gồm 3 ngời là Đăng, Hương và Đạt. Kho tiền cho 3 chìa khóa, trong đó giám đốc và trưởng phòng vận hành mỗi người giữ 1 chìa và 1 mật mã. Trưởng quỹ có 1 chìa khóa cửa phía trong nhưng không có mật mã.

Theo quy trình công tác và nhiệm vụ được giao, trước 8 giờ sáng hàng ngày làm việc, ban quản lý kho quỹ cùng có mặt để mở cửa kho tiền, kiểm tra sao đó giao kho tiền cho bộ phận kho quỹ để điều tiền đi các phòng giao dịch và vào cuối giờ giao dịch hàng ngày. Ban quản lý kho quỹ nhận thông từ bộ phận kho quỹ, nếu số tiền trùng khớp với số tiền trên hệ thống sổ sách thì tiến hành khóa kho quỹ, kết thúc ngày giao dịch.

Trong thời gian từ tháng 1-3/2019, Phan Thanh Đăng giao chìa khóa và mật mã kho tiền cho Đạt để mở, đóng cửa kho tiền. Lợi dụng sự sơ hở của Đăng và Hương, Đạt tự ý vào kho quỹ lấy hơn 74,3 tỷ đồng gồm 67,3 tỷ đồng và 300.021 USD.

Đến ngày 14/3/2019, ngân hàng phát hiện việc thiếu hụt tiền trong kho quỹ nên yêu cầu Đạt về trụ sở kiểm kê. Đêm cùng ngày, Đạt nhận trách nhiệm về việc “thụt két” tiền ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, theo quy trình công tác và nhiệm vụ được giao, Đăng và Hương phải có trách nhiệm cùng với Đạt quản lý kho quỹ, làm các công việc mở kho quỹ, quản lý, kiểm đếm tiền, tài sản đảm bảo trong kho quỹ. Nhưng Đạt và Hương không thực hiện kiểm kê dẫn đến việc Đạt được toàn quyền quản lý kho tiền để tự ý lấy tiền của ngân hàng trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Còn Phạm Công Thủy không làm đúng nhiệm vụ được giao, không thực hiện đúng quy trình rút séc từ Ngân hàng nhà nước, bàn giao tiền của ngân hàng không đúng nơi quy định, dẫn đến việc bị thất thoát 18 tỷ đồng.

Không sử dụng một đồng tiêu riêng?

Đó là lời khai của bị cáo Đạt tại công đường. Ngoài việc thừa nhận có hành vi tham ô, “thụt két” hơn 74 tỷ đồng của ngân hàng, lý do là Đạt lợi dụng sự chểnh mảng của cấp trên, song bị cáo này khai “không được sử dụng một đồng nào để tiêu riêng”.

Theo Đạt khai, số tiền này cho người tên Hoàng Thị Bích Việt vay, số tiền lên tới 30 tỷ đồng. Số còn lại, Đạt chuyển cho em rể của Việt, thông qua 18 tài khoản ngân hàng.

Công an tiếp tục xác minh đối tượng Hoàng Thị Bích Việt. Hiện Việt không có mặt tại nơi cư trú. Gia đình Việt cung cấp Việt đang ở Nhật Bản. Nhưng thông tin do Cục A06- Bộ Công an cung cấp không có thông tin xuất cảnh của Việt. Công an có nhận được thông tin Việt đang lẩn trốn ở TPHCM. Do chưa bắt được Việt nên công an tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau.

Tiếp đến, cựu giám đốc chi nhánh Phan Thanh Đăng khai nhận đã “vô cùng chủ quan, quá tin tưởng cấp dưới nên để xảy ra sai sót”.

Trong khi đó, cựu Phó giám đốc Hương cho rằng mình luôn “làm đúng trách nhiệm”. Song vị Chủ tọa phiên tòa nhanh chóng chất vấn “Làm đúng trách nhiệm mà sao ngân hàng vẫn bị mất tiền?” –  Bị cáo Hương cho rằng, kho tiền có 3 chìa khoá, việc của bà là quản lý một chiếc, “còn lại chìa của ai người đó phải có trách nhiệm giữ”.

Theo quy định bắt buộc là cuối ngày phải kiểm đếm tiền trong kho, lý do bị cáo Hương không thực hiện việc này vì quá tin tưởng cấp dưới. “Bao năm tôi không kiểm đếm nhưng số liệu luôn khớp. Hơn nữa, tôi còn rất nhiều việc ngoài quầy, khu giao dịch…”, bị cáo Hương khai.

“Bao nhiêu năm chưa xảy ra không có nghĩa không bao giờ xảy ra. Đấy là trách nhiệm của bị cáo”, HĐXX nhắc nhở bị cáo.

Trước khi HĐXX tuyên phạt các mức án nêu trên, 4 bị cáo đều tỏ ra hối hận vì sai lầm, tắc trách của bản thân để rồi phải trả giá đắt như ngày hôm nay. Các bị cáo xin HĐXX cho hưởng mức án khoan hồng để sớm trở về làm lại cuộc đời.