An ninh - Hình sự

Cựu Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình bị đề nghị 14-15 năm tù

Bị cáo Trần Phương Bình xin xét xử vắng mặt và bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 14-15 năm tù vì hành vi gây thất thoát 184 tỷ đồng.

Ngày 17/6, tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB), đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 10 bị cáo.

Theo đó, bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó Tổng Giám đốc DAB) đều bị cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt mức án 14-15 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Tổng hợp 2 bản án chung thân của bị cáo Bình và 16 năm tù của bị cáo Xuyến trong các vụ án gây thất thoát khác tại DAB, bị cáo Trần Phương Bình nhận mức án chung thân, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến nhận mức án 30 năm tù.

Bị cáo Bình và Xuyến trước đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và được toà chấp nhận. Trong các biên bản hỏi cung được Chủ tọa Trần Thị Tâm công bố trong ngày xét xử đầu tiên, bị cáo Bình và Xuyến đều thừa nhận hành vi như cáo buộc, mong muốn nhận được mức án khoan hồng từ HĐXX.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản luận tội, đề nghị mức án với bị cáo Trần Phương Bình và 9 bị cáo khác. Ảnh: Lao Động. 

Các bị cáo còn lại bị đề nghị phạt 2-9 năm tù giam cùng về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. 

Về dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỷ đồng, các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỷ đồng còn lại trong tổng thiệt hại vụ án, được nhà chức xác định hơn 184 tỷ đồng.

Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX tuyên trả lại 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát, bị các bị cáo sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn trái pháp luật. 

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát cáo buộc, các bị cáo Bình, Xuyến với tư cách là Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của DAB là người chịu trách nhiệm chính đã phê duyệt trái pháp luật các khoản tín dụng để DAB chi nhánh Hà Nội giải ngân cho công ty cổ phần đầu tư và du lịch An Phát.

"Ngoài ra do có quan hệ thân thiết, bị cáo Bình và Xuyến đã chỉ đạo các nhân viên chi nhánh Hà Nội phải thực hiện giải ngân bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục giao dịch đảm bảo để công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn", bản luận tội nêu và nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là "đặc biệt nguy hiểm, thiệt hại đặc biệt lớn".

Trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, bốn bị cáo là cựu cán bộ nhân viên của DAB chi nhánh Hà Nội (gồm Nguyễn Thị Ngọc Anh, Võ Thị Bạch Hương, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thị Phương) thừa nhận hành vi sai phạm, song cho rằng không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật, không được hưởng lợi ích vật chất.

Do đó, trong phần luận tội ngày 17/6, các bị cáo này được Viện Kiểm sát đề nghị miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, bị cáo Phan Thúy Mai, cựu Giám đốc Công ty An Phát bị cáo buộc sử dụng các tài liệu giả chữ ký của các cổ đông để thế chấp tài sản, không có sự đồng ý của các cổ đông.

Bị cáo Mai lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến, vận động để hai bị cáo này chỉ đạo Chi nhánh DAB Hà Nội giải ngân nhanh, sai quy định.

Công ty An Phát, được xác định là bên liên quan, nhưng đại diện công ty cho rằng, về thực chất, An Phát còn có vai trò "người bị hại", do bị mất quyền quản lý, sử dụng 123 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hậu quả của các hành vi sai phạm.

Bị cáo Phan Thuý Mai (giữa) và các bị cáo tại phiên toà vụ án DAB thất thoát 184 tỷ đồng. Ảnh: Lao động. 

Bị cáo Mai, cựu Giám đốc công ty An Phát đã sử dụng 108 tỷ đồng vay được từ DAB để chi hoạt động công ty. Đại diện An Phát xin bồi thường đầy đủ số tiền này để tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư đang bị ngưng trệ.

Cáo trạng xác định, từ 2007 - 2014, ông Bình, Xuyến, Vũ cùng một số nhân viên ở Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội có nhiều sai phạm khi xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty An Phát, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An, Công ty TNHH Star Hair.

Từ lỗ hổng này, ba doanh nghiệp trên được vay số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Han (t/h từ Lao Động, Sài Gòn giải phóng)