Hồ sơ điều tra

Cựu Tổng GĐ Công ty tài chính Cao su Việt Nam và đồng phạm hầu tòa

Cựu Tổng Giám đốc RFC cấu kết với nhiều cá nhân thuộc Công ty TNHH Minh Hằng để tham ô hàng chục tỷ đồng thông qua việc vay vốn trồng cao su.

Cựu Tổng Giám đốc RFC tham ô thế nào?

Ngày 4/4, TAND Tp.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (viết tắt: RFC; 100% vốn nhà nước).

Cụ thể, các bị cáo Phan Minh Anh Ngọc, SN 1951, cựu Tổng Giám đốc RFC; Phan Long Hải Âu, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng; Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng bị truy tố về cùng tội Tham ô tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 353 BLHS, khung phạt từ 20 năm tù đến tử hình.

Các bị cáo Hồ Nguyễn Bảo Uyên, nhân viên RFC; Đặng Thị Kim Anh, nguyên Trưởng phòng kế toán RFC; Lê Anh Tuấn, nhân viên RFC và Nguyễn Hồng Hải, nhân viên RFC bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo cáo trạng, Công ty RFC thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, có chức năng vay và cho vay như một tổ chức tín dụng.

Năm 2011 trên cơ sở đề nghị của Phan Long Hải Âu, bị can Phan Minh Anh Ngọc, Tổng Giám đốc RFC đã lợi dụng chức vụ, bàn bạc thỏa thuận thống nhất với Âu sử dụng pháp nhân Công ty Minh Hằng lập hồ sơ đề nghị vay vốn tại RFC.

Bằng thủ đoạn nâng khống hạn mức trồng 780 ha cao su ở tỉnh Đắk Lắk, trong khi dự án chỉ được trồng 100ha, để Ngọc duyệt cho vay số tiền 65 tỷ đồng, nhằm sử dụng một phần vào việc đầu tư trồng cao su, phần còn lại chiếm đoạt cá nhân.

Cụ thể, bị can Âu đã lập và chỉ đạo Nguyễn Anh Tuấn ký hồ sơ khống sử dụng tiền vào dự án nhưng không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, để RFC giải ngân thông qua 16 khế ước với số tiền 58 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bị can Âu chỉ sử dụng trên 11 tỷ đồng vào việc đầu tư trồng cao su, số còn lại trên 46 tỷ đồng, bị can Ngọc và Âu chiếm đoạt của RFC để sử dụng cá nhân.

Tổng Giám đốc RFC mệt mỏi hầu tòa

Cáo trạng nêu, bị can Ngọc có vai trò quyết định việc cho vay; bị can Âu có vai trò chủ mưu; bị can Tuấn có vai trò giúp sức tích cực trong hành vi tham ô tài sản. Các bị can là cán bộ RFC đã vi phạm quy định cho vay, tạo điều kiện cho các Ngọc, Âu và Tuấn chiếm đoạt tiền của RFC.

Cáo trạng xác định, các bị can đã gây thiệt hại cho RFC 102 tỷ đồng, trong đó 3 bị can nói trên chiếm đoạt trên 46 tỷ đồng và gần 60 tỷ đồng tiền lãi phát sinh do hành vi tham ô gây ra.

Tại phiên tòa, bị cáo Ngọc tỏ ra mệt mỏi, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu và đề nghị HĐXX được ngồi trong quá trình xét xử. Trong phần thủ tục, khi được hỏi một số thông tin liên quan đến ngày bị bắt, năm sinh của các con…, bị cáo Ngọc nói không nhớ rõ và nói HĐXX căn cứ vào cáo trạng.

Ngoài bị xét xử trong vụ án vừa nêu trên, bị cáo Ngọc còn liên quan đến hàng loạt sai phạm, trước đó đã bị đưa ra xét xử và hiện đang phải chấp hành hình phạt tổng cộng 22 năm tù cho nhiều bản án khác nhau.

Cáo trạng cũng xác định, trong vụ án này ông Huỳnh Văn Bảo (Chủ tịch HĐQT RFC) ban hành nghị quyết yêu cầu ông Ngọc tổ chức, điều hành RFC theo quy định, ngừng cho vay mới, hạn chế giải ngân vốn, tập trung thu hồi nợ.

Tuy nhiên, ông Ngọc “bất tuân”, vì vậy ông Bảo đã báo cáo cấp trên và ông Ngọc bị tạm ngưng điều hành RFC. Do đó, cơ quan điều tra đã không xem xét trách nhiệm của ông Bảo.

Ngoài ra, một số cá nhân khác là lãnh đạo các phòng thuộc RFC và 4 thành viên Công ty Minh Hằng có liên quan trong vụ án, nhưng cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự vì không có căn cứ.