Sức khỏe

Cứu sống mẹ con sản phụ bị hội chứng Marfan bệnh hiếm gặp

Ngày 22/7, đại diện bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vừa phối hợp liên chuyên khoa giữa khoa Phẫu thuật Tim mạch và khoa Phụ sản để hội chẩn và phẫu thuật thành công cho sản phụ bị hội chứng Marfan hiếm gặp.

Theo đó, sản phụ Nguyễn Thị Đ., 33 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM mang thai 33 tuần 5 ngày, xuất hiện triệu chứng khó thở, thường xuyên ngất xỉu, đi khám thai tại bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh tim nên chuyển sang viện Tim 1115 điều trị.

Các bác sĩ tại đây đề nghị chuyển sang bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh viện có thế mạnh trong phối hợp liên chuyên khoa để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị bóc tách động mạch chủ ngực type A bán cấp, phình gốc động mạch chủ, hở  van động mạch chủ nặng type I, hội chứng Marfan, thai 33 tuần 5 ngày, chậm tăng trưởng…

Bác sĩ chia sẻ về ca bệnh.

Các bác sĩ nhận định đây là một ca khó, cần phối hợp liên chuyên khoa để điều trị. Vấn đề đặt ra cho bác sĩ là nên mổ tim trước hay mổ bắt thai trước. Vì thai nhi là thai non 33 tuần và hiện trong tình trạng suy dinh dưỡng, khó thích nghi với môi trường bên ngoài.

Nếu bắt thai sớm, động mạch chủ của mẹ đang trong tình trạng bán cấp, trong lúc phẫu thuật bắt con có thể xảy ra nhiều rủi ro.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, bệnh viện Đại học Y Dược nhận định: “Bóc tách động mạch chủ là một cấp cứu ngoại khoa rất gấp, nếu không xử lý kịp chỗ bóc tách sẽ bị vỡ vào khoang tim, khoang ngực gây chảy máu, mất máu, gây áp lực lên tim không co bóp được và người bệnh sẽ tử vong. Trường hợp này vì người mẹ mang thai nên bệnh lý của người mẹ có thể ảnh hưởng đến  tính mạng 2 mẹ con. Trường hợp bất khả kháng có thể hy sinh mẹ hoặc con”.

Sau khi tiến hành hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai ra trước rồi sau đó tiến hành phẫu thuật động mạch cho người mẹ. Ngày 29/6 TS.BS Trần Nhật Thăng cùng ê kíp khoa Sản phụ, bệnh viện Đại học Y Dược thực hiện mổ bắt con cho sản phụ tại phòng mổ tim. Quá trình mổ thành công, một bé gái nặng 1,8kg chào đời được chuyển về phòng dưỡng nhi.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Sau đó, ngày 1/7, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cùng ê kíp khoa Phẫu thuật Tim mạch thực hiện cuộc đại phẫu cho bệnh nhân (thực hiện thay gốc động mạch chủ, đặt sten graft động mạch chủ ngực xuống), ca phẫu thuật thành công  tốt đẹp.

Sau phẫu thuật, hiện sản phụ Đ. đã khỏe lại, và dự kiến được xuất viện sau  1 tuần.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chị Đ. cho biết: "Tôi rất biết ơn các bác sĩ đã tận tình giúp tôi phẫu thuật thành công. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tin được nghĩ rằng mình còn sống, còn được gặp con. Vì lúc lên bàn mổ, tôi biết, mình bị bệnh tim rất hiếm gặp và khó chữa. Dù mới gặp con 2 lần, nhưng tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc vì được phẫu thuật kịp thời".

Chia sẻ với PV, PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, chìa khóa thành công của ca bệnh chính là sự phối liên chuyên khoa nhịp nhàng và hiệu quả trong bệnh viện. Tiếp đó nhờ bệnh nhân chuyển kịp thời đến bệnh viện đa khoa có chuyên môn sâu…

Theo TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, về phương diện sản khoa cũng như chẩn đoán trước sinh, không nên lơ là trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cũng như trước khi mang thai. Việc thăm khám sớm giúp chẩn đoán sớm  yếu tố di truyền có thể ảnh hưởn sức khỏe cả mẹ và bé.