Dòng chảy pháp luật

Cựu Phó chủ tịch Tp. HCM và nữ đại gia Bạch Diệp hầu toà: Bị cáo Diệp nói về 18 trang tài liệu

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục khẳng định mình không lừa ai và nói về 18 trang tài liệu mà bị cáo đang giữ.

Chiều 16/11, phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM; Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, gọi tắt là Công ty Diệp Bạch Dương cùng 8 cựu cán bộ Nhà nước liên quan tiếp tục với phần xét hỏi.

Cáo trạng cáo buộc bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã có hành vi lừa đảo, khiến bị hại Trung tâm ca nhạc nhẹ Tp.HCM mất quyền kiểm soát đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại 186 tỷ đồng của Nhà nước.

Khi được gọi thẩm vấn liên quan đến cáo buộc này, bị cáo này cho rằng các nội dung liên quan đến hồ sơ vay đều là giả mạo từ con số đến các văn bản.

Bà Diệp dẫn chứng nếu bà có vay tiền thì hồ sơ vay phải thể hiện mục đích vay vốn để ngân hàng còn theo dõi, giám sát xem người vay có thực hiện đúng mục đích vay vốn không, nhưng hồ sơ của bà không có mục đích vay vốn.

Theo nữ bị cáo 73 tuổi, các hợp đồng vay vốn, thế chấp giữa công ty bà và Agribank Tp.HCM đều là giả mạo.  Bị cáo cho rằng 18 trang giấy trên tay nữ bị cáo này là để chứng minh điều đó.

Bị cáo Diệp nói mình có đầy đủ bản chính các hợp đồng tín dụng liên quan đến khoản vay 6.700 lượng vàng. Bị cáo Diệp nói có ký giấy tờ nhận nhưng chưa nhận, chưa lấy một lượng vàng nào cả. 

Chủ toạ yêu cầu bị cáo Diệp đưa tài liệu cho luật sư của mình để sử dụng trình cho HĐXX, VKS đánh giá cho đúng. 

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, ông cho rằng chủ trương hoán đổi đất không phải là của ông mà ông chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND. 

“Tôi không thoái thác trách nhiệm mà chỉ xin làm rõ trách nhiệm, sự việc xảy ra trong thời gian dài suốt 2 nhiệm kỳ. Thậm chí, đến khi tôi nghỉ hưu thì quá trình hoán đổi vẫn chưa thực hiện, sau đó mới được thực hiện”, ông Tài nói.

Dù thời điểm này, ông Nguyễn Thành Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước nhưng vẫn chỉ đạo các Sở ban ngành nghiên cứu và có ý kiến đề xuất. Về điều này, ông Tài thừa nhận không có quyết định phân công mà vì là Phó chủ tịch thường trực nên tham gia.

Sau đó ông Tài nói rằng tại thời điểm nhận đơn xin hoán đổi thì nghĩ mình không sai vì làm đúng về mặt chủ trương, ông Tài cũng không phải là người trực tiếp gây ra hậu quả và việc hoán đổi này diễn ra thời gian dài, trải qua 2 nhiệm kỳ công tác.

Phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi…

Theo cáo buộc, nhà đất số 185 đường Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, được giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở VH-TT&DL Tp.HCM) làm trụ sở.

Do cơ sở này xuống cấp nên năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ có chủ trương tìm đơn vị nâng cấp, cải tạo.

Thông qua người quen, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã liên hệ, đề xuất với trung tâm việc tìm một bất động sản khác tương đương để hoán đổi.

Bị cáo Diệp đề xuất cho Công ty Bạch Diệp Dương nhận thửa đất 185 Hai Bà Trưng. Đổi lại, Công ty Diệp Bạch Dương sẽ hoán đổi khu đất số 57 Cao Thắng và hỗ trợ thêm 20 tỷ đồng để Tp.HCM xây dựng Trung tâm Ca nhạc nhẹ.

Đề xuất của bị cáo Diệp sau đó được nhiều cán bộ Nhà nước và nhiều Sở, ngành, UBND Tp.HCM thông qua.

Sau khi thống nhất việc hoán đổi, Công ty Diệp Bạch Dương nhận mặt bằng 185 Hai Bà Trưng và giấy tờ liên quan nhưng bị cáo Diệp không bàn giao giấy tờ nhà đất tại 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ. Bởi khu đất 57 Cao Thắng đã được thế chấp vay hàng ngàn lượng vàng tại Agribank Tp.HCM từ 31/12/2008.

Bị cáo Diệp chỉ cam kết với Agribank sau khi hoán đổi xong tài sản 185 Hai Bà Trưng của công ty sẽ thay thế tài sản 57 Cao Thắng làm tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay của công ty tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, sau khi được cấp sổ hồng tại 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không thực hiện cam kết mà thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) vay 160 tỷ đồng, hiện dư nợ gốc là 99,288 tỷ đồng, nợ lãi là 123,505 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng, đủ căn cứ để xác định bị cáo Diệp đã chiếm đoạt tài sản của Nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỷ đồng và bị cáo Diệp phải chịu trách nhiệm hoàn trả, bồi thường số tiền này lại cho Nhà nước.

Cáo trạng cũng nêu rõ, để xảy ra việc bị cáo Diệp chiếm đoạt được như trên là do các cán bộ đơn vị liên quan đã có hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc tham mưu đề xuất chấp thuận hoán đổi tài sản, cấp sổ hồng tại 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương không đúng pháp luật.

Trách nhiệm về các sai phạm này theo cáo trạng là thuộc về bị cáo Nguyễn Thành Tài, Vi Nhật Tảo, Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum, Lê Tôn Thanh, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Thanh Nhàn, Huỳnh Kim Phát và Lê Văn Thanh. Các bị cáo là cựu cán bộ Nhà nước này đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, vi phạm khoản 5 Điều 6 luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.