Công nghệ

Cựu nhân viên Facebook ra điều trần trước Thượng viện

Cựu nhân viên Facebook, Frances Haugen, đã ra điều trần trước Thượng viện Mỹ về các tiết lộ liên quan đến ảnh hưởng của Facebook đối với xã hội.

Frances Haugen, cựu nhân viên của Facebook và là người góp phần công khai các nghiên cứu nội bộ của công ty này, đã ra điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ về các tuyên bố của mình vào ngày 5/10 vừa qua.

Trong buổi điều trần này, cô Haugen đã trình bày lại những gì cô đã trải nghiệm tại Facebook cũng như quan điểm như trong buổi phỏng vấn với đài truyền hình CBS vài ngày trước đó. Cô cho rằng bằng cách ưu tiên hệ thống và thuật toán khuyến khích tương tác người dùng và các nội dung được gợi ý, Facebook đã liên tục đặt lợi nhuận của công ty lên trên lợi ích người dùng và xã hội.

"Với cách định hình mạng xã hội như vậy, Facebook đã góp phần tạo ra một môi trường gây chia rẽ và tạo thái độ cực đoan", Frances Haugen nhận định.

Mô hình tương tác và gợi ý cho người dùng của Facebook bị cáo buộc là gây ra môi trường chia rẽ và cực đoan. Ảnh minh họa: Tobias Rose-Stockwell

Phần lớn thời gian của buổi điều trần tập trung vào ảnh hưởng của Facebook và Instagram đối với sức khỏe tâm lý thanh thiếu niên. Các nghị sĩ có mặt đã bày tỏ thái độ tức giận với việc nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy rằng Instagram tạo ra môi trường tiêu cực cho các thanh thiếu niên sử dụng ứng dụng này, đặc biệt ở nữ giới.

Cô Haugen cho rằng thuật toán của Instagram và Facebook có thể dẫn người đọc từ nội dung bình thường đến những bài viết khuyến khích bệnh nhịn ăn trong khoảng thời gian ngắn.

Về lý do thúc đẩy cô công khai các nghiên cứu nội bộ của Facebook, Frances Haugen nói rằng thời điểm quyết định là khi Facebook giải thể nhóm làm việc về ảnh hưởng xã hội sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Theo Haugen, sau cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ tháng 1/2021, Facebook đã bảo đảm với các công ty quảng cáo rằng mạng xã hội này đang cố gắng hết sức để làm nền tảng của mình an toàn hơn, nhưng sự thật lại không phải vậy.

Cô cho rằng CEO Mark Zuckerberg là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của Facebook. 

Frances Haugen kêu gọi các nhà lập pháp tăng cường quản lý các mạng xã hội như Facebook, nhưng cho biết chỉ một số thay đổi trong các đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân có sẵn là chưa đủ. Theo Haugen, minh bạch sẽ cần là ưu tiên để định hình lại Facebook thành một mạng xã hội lành mạnh.

Phản ứng của Facebook

Sau buổi điều trần này, Lena Pietsch, Giám đốc phụ trách truyền thông của Facebook đã đưa ra một tuyên bố riêng bày tỏ quan điểm nghi ngờ Frances Haugen, nói rằng trong chưa đầy 2 năm làm việc tại Facebook, cô Haugen chưa tham gia đầy đủ vào những nội dung cô trình bày trước Thượng viện.

Theo bà Pietsch, Facebook không đồng ý với cách Haugen diễn giải những vấn đề tại Facebook, nhưng đồng ý rằng cần thêm các quy định mang tính quy chuẩn cho Internet.

CEO Facebook Mark Zuckerberg trong môt buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2018. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

CEO Mark Zuckerberg cũng đã bày tỏ quan điểm của mình trong một bài đăng trên Facebook. Zuckerberg cho rằng các cáo buộc về việc Facebook ưu tiên lợi nhuận bằng cách tăng tương tác và gây chia rẽ là vô cùng bất hợp lý vì mạng xã hội này kiếm tiền từ quảng cáo, và không công ty nào muốn quảng cáo của mình nằm cạnh nội dung độc hại. 

Về ảnh hưởng của Instagram đến thanh thiếu niên, Zuckerberg nhắc lại quan điểm rằng cần đối mặt với thực tế thanh thiếu niên đang tham gia sâu vào môi trường Internet, và do đó các mạng xã hội cần xây dựng trải nghiệm phù hợp với đối tượng này. Thêm vào đó, nghiên cứu của Facebook đã bị hiểu sai, và Facebook sẵn sàng thực hiện thêm nghiên cứu và công khai chúng. 

Theo CNBC/Reuters/Facebook