Xu hướng thị trường

Cựu Ngoại trưởng Jonh Kerry: Việt Nam cần đầu tư năng lượng sạch để thu hút FDI

Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Jonh Kerry nhận định, Việt Nam là một trong những nước có cơ hội tốt nhất trên thế giới để chuyển sang năng lượng sạch, cần có cơ chế hỗ trợ giá điện từ năng lượng này.

Nhức nhối vấn đề biến đổi khí hậu

Phiên thảo luận "Biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng thách thức và cơ hội cho Việt Nam" là một trong những phiên thảo luận của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, do Chính phủ phối hợp với Ban kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội sáng 17/1.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, dẫn đến những tác động tiêu cực trong phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Trung Ương.

Trong những năm qua, BĐKH là nguyên nhân gây ra thay đổi lượng mưa, từ đó tạo ra những trận lũ quét, bão hoặc nạn hạn hán bất thường đã làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các ngành điện, than và dầu khí; gây thiệt hại đến một số cơ sở hạ tầng, làm gia tăng chi phí trong đầu tư mới. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để từ đó chủ động phòng chống và đưa ra các giải pháp củng cố An ninh năng lượng quốc gia là việc làm hết sức phức tạp, khó khăn.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông John Kerry, Cựu ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch quỹ hoà bình Quốc tế Carnegie bày tỏ: "Một trong nhưng điểm tôi ấn tượng là cách người Việt Nam hướng tới quan hệ trong tương lai để tạo ra khác biệt. Tôi ấn tượng với người trẻ chiếm đa số người dân Việt Nam. Đây là nguồn năng lượng dồi dào, hướng tới tăng trưởng liên tục, Chính phủ sẽ cung cấp nhiều cơ hội về việc làm, giáo dục...

Tuy nhiên phát triển đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, sẽ đặt ra những yêu cầu cho năng lượng. Từ 30 năm trước, BĐKH nó đã diễn ra rồi. Chúng ta sinh sống cùng nhau trên trái đất, nếu 1 ngày các nước như Hoa Kỳ giảm thải bằng 0, thì vấn đề cũng không giải quyết được nếu các quốc gia không đồng hành cùng nhau.

Nhu cầu năng lượng tăng 60% ở Đông Nam Á và đang tiếp tục tăng, thêm 2/3 vào 2040. 73% năng lượng đã đến khu vực Thái Bình Dương. Nhu cầu năng lượng còn lại không được giải quyết bằng năng lượng sạch như: gió, mặt trời…Trong đó Malaysia còn cắt giảm năng lượng gió".

Ông cho biết thêm: "Ở Đông Nam Á, nhu cầu mặt hàng này đang tăng và còn tăng ở tỷ lệ nhanh nhất so với thế giới, sẽ còn tăng thêm 5% tới 2023. Khu vực tiêu thụ 70% lượng than toàn thế giới, điều đó có nghĩa chúng ta đang khai thác và tác động lớn nhất đến phát thải khí nhà kính. Dù áp dụng công nghệ hiện đại với than thì đây vẫn là nguồn nhiên liệu phát thải lớn nhất”.

Cũng theo ông Jonh Kerry, nguồn phát thải CO2 lớn nhất là than đá. Khí thải khiến mực nước biển tăng lên và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Hệ sinh thái sẽ thay đổi, thuỷ sinh sẽ phải đối mặt thách thức, khi lượng cá biển rất cần cho cả tương lai. "Dự báo cuối thế kỷ 21, lượng cá trên đại dương sẽ sụt giảm 50-80%. Đây không còn là điều mơ hồ, nó đang diễn ra. Có quá nhiều ảnh hưởng đến đại dương đe doạ đến loài cá, BĐKH đang hiện hữu đe doạ người dân toàn cầu.

"BĐKH ngày càng phức tạp, tất cả các bằng chứng khoa học đều chứng minh điều đó, 3 cơn bão trong năm 2018 tại Mỹ đã gây thiệt hại 265 tỷ USD, cháy rừng khiến chúng tôi không thể kiểm soát. Đó là những điều chưa từng xảy ra trước đây.

Hiện nay tại Mỹ, 75% nguồn điện mới được đưa vào là điện từ mặt trời, than chỉ chiếm 0,2%, chúng tôi ko còn nghĩ đến nhà máy điện than, về kinh tế than cũng không hiệu quả. Nhưng nếu chỉ Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào làm việc đó thôi là chưa đủ", vị cựu Ngoại trưởng bày tỏ quan ngại.

GDP tăng trưởng, khí thải cũng tăng theo

Ông phát biểu tiếp: "Trong năm 5 qua Việt Nam có mức dùng than tăng 75%. Tôi muốn gửi đến Việt Nam là một Quốc gia có năng lực cạnh tranh, các bạn không nên đầu tư vào than. Đầu tư năng lượng sạch, dài hạn sẽ thúc đẩy kinh tế trong tương lai, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh BĐKH toàn cầu. Nguồn đầu tư này sẽ đến nếu Việt Nam giải quyết vấn đề năng lượng bền vững".

Cũng theo vị cựu ngoại trưởng, tăng trưởng GDP sẽ đồng nghĩa với mức tăng năng lượng, tăng khí thải. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có giải pháp để cân bằng hai mục tiêu đó. Ông J. Kerry nói: "Giải pháp là gì? Với bất kỳ nơi nào trên thế giới đây là vấn đề mang tính sống còn. Những năm 80 chúng ta có khủng hoảng dầu mỏ, không phải vì dầu mỏ hết, kỷ nguyên than cũng không kết thúc bởi hết than. Nó chỉ kết thúc bởi chúng ta tìm ra năng lượng sạch.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry.

Giá năng lượng mặt trời rẻ hơn than, bất kỳ ai nói than rẻ hơn thì đó là họ không tính đến chi phí, chi phí sản xuất điện từ than cao hơn từ mặt trời là 3 cent/kwh, đó là chưa kể tác hại của than gây ra. 

Việt Nam có nhiều lợi thế về thuỷ điện, hiện nay chỉ 31% thuỷ điện được dùng, trong khi tiềm lực này lên tới 45%. Gió, mặt trời đều là nguồn năng lượng dồi dào mà Việt Nam có, chúng ta sẽ kết hợp năng lượng này như thế nào, để tạo ra lưới điện thông minh, năng lượng sạch. Việt Nam không nên là tù nhân của năng lượng than, bởi những lợi thế về năng lượng sạch mà các bạn đang có là rất lớn.

Việt Nam là một trong những nước có cơ hội tốt nhất trên thế giới để chuyển sang năng lượng sạch, cần có cơ chế hỗ trợ giá điện từ năng lượng sạch. Thúc đẩy hoạt động đầu tư công ty đầu tư trong ngoài nước để thúc đẩy nguồn năng lượng này".

"Đây là vấn đề khó khăn với mọi quốc gia, nhưng chúng ta không nên quá phụ thuộc vào than khi hậu quả từ nó rất lớn. Hướng tới năng lượng sạch và giảm C02 càng nhiều càng tốt. Tôi cũng có con, cháu, nhìn bọn trẻ tôi nghĩ rằng chúng ta cần hành động để có những quyết định bảo vệ môi trường ngay từ hôm nay", ông nhấn mạnh.

Cũng đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Bruno Angelet, Đại sứ trưởng phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết: "Đốt nhiên liệu tạo ra 75% CO2. Trong 20 năm qua EU đã làm rất nhiều để giảm việc tiêu thụ năng lượng hoá thạch, 2016 chúng tôi giảm hoá thạch rắn thay đổi cơ cấu năng lượng, từ 2005-2015, 30% năng lượng tiêu thụ tại EU là năng lượng tái tạo.

EU với vị thế mại lớn nhất thế giới với 20% kinh tế toàn cầu, rõ ràng việc sử dụng 30% năng lượng sạch là một thành công lớn. Tôi đồng ý với ông Jonh Kerry, Việt Nam có thể cân bằng phát triển Kinh tế và đảm bảo bền vững thông qua phát triển năng lượng sạch".