Kinh tế vĩ mô

Cứu lúa gạo miền Tây bằng “luồng xanh” đường thuỷ

Theo bộ Công Thương, cần linh hoạt các giải pháp để khơi thông điểm nghẽn trong xuất khẩu gạo, ưu tiên phân "luồng xanh" cho vận chuyển lúa gạo bằng đường thuỷ.

Hiện 19 tỉnh/thành phố phía Nam đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, trong khi đó, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch lúa hè thu 2021.

Trước tình hình này, ngày 16/8, bộ Công Thương đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Kiến nghị của các thương nhân cho biết, dù đã áp dụng hình thức “1 cung đường, 2 địa điểm” cho nhà máy sản xuất, chế biến nhưng do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường (18h – 6h) nên một số hoạt động bị gián đoạn qua ngày, làm cho chất lượng gạo neo trên ghe, sà lan qua đêm bị sụt giảm.

Đối với các nhà máy, kho chứa có ca nhiễm, các cơ quan y tế áp dụng biện pháp phong tỏa theo quy định (thời gian quá dài đối với nhà máy sản xuất, chế biến mặt hàng lương thực chính là gạo) đã vô tình gây đứt gãy chuỗi sản xuất của các thương nhân.

Việc áp dụng "3 tại chỗ" kéo dài dẫn tới công suất hoạt động giảm, lượng gạo tồn kho cao (ảnh: Phạm Tùng).

Theo đánh giá của bộ Công Thương, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn.

“Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ”, bộ Công Thương đánh giá.

Trên cơ sở đó, bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, giải tỏa được ách tắc hiện nay.

UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng.

Bộ Công Thương cũng trao đổi và thống nhất với bộ Y tế, bộ Giao thông vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt các phương án:

Phương án 1: Chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp, xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp, xã và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống, lên ghe.

Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã, huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu. 

Phương án 2: Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe, sà lan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp. 

Ngoài ra, bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Vụ lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch lúa hè thu 2021 (ảnh: Phạm Tùng).

Thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, tính đến ngày 12/8, vụ hè thu tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hoạch được 780.000ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9/2021.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 3,492 triệu tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.

Việc áp dụng chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu. 

Những khó khăn trên đã làm cho tình hình tiêu thụ lúa hè thu 2021 ở các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gặp rất nhiều khó khăn và bị đình trệ trong việc thu hoạch, xử lý sau thu hoạch.

Nguy cơ chất lượng gạo sụt giảm mạnh là hoàn toàn thực tế và việc không thể tiêu thụ lúa tươi tại ruộng dẫn đến giá lúa gạo nội địa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giảm liên tục trong nhiều tuần qua.

Giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng từ ngày 1/5 là 6.200 đồng/kg, ngày 1/6 là 5.800 đồng/kg, ngày 1/7 là 5.200 đồng/kg và đến ngày 5/8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg.