Hồ sơ điều tra

Cựu Chủ tịch Saigon Co.op hầu tòa trong vụ án thứ 2

Quá trình điều tra, ông Diệp Dũng được đánh giá có thay đổi nhận thức, có thái độ hợp tác, thừa nhận hành vi phạm tội.

Sáng nay (28/12), TAND Tp.HCM đưa vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, ra xét xử sơ thẩm.

Bị cáo Diệp Dũng và đồng phạm tại tòa.

Cáo trạng truy tố bị cáo Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Cùng bị truy tố về tội danh giống bị cáo Diệp Dũng còn có 2 giám đốc doanh nghiệp khác, gồm: Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới và bị cáo Tôn Thất Hào, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Á và 2 cựu cán bộ của Saigon Co.op là Hồ Mỹ Hòa, Giám đốc tài chính, ủy viên hội đồng quản trị Saigon Co.op; Nguyễn Thành Nhân, nguyên Tổng Giám đốc, thành viên hội đồng quản trị Saigon Co.op;

Ngoài ra, 4 bị cáo khác cũng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Trần Trung Liệt, nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op; Hàng Thanh Dân, nguyên Trưởng ban kiểm soát Saigon Co.op và hiện là ủy viên hội đồng quản trị Saigon Co.op; Phạm Thị Minh Ngọc, nguyên phó ban kiểm soát Saigon Co.op, Trưởng ban kiểm toán nội bộ Saigon Co.op; Nguyễn Thị Thùy Trang, ủy viên ban kiểm soát Saigon Co.op nhiệm kỳ 2014 - 2019, hiện là trưởng ban kiểm soát Saigon Co.op.

Cáo trạng của VKSND Tp.HCM xác định ông Diệp Dũng là chủ mưu vụ án. Theo đó, Saigon Co.op là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động theo hình thức hợp tác xã. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến tháng 1/2020, Saigon Co.op có 9 lần tăng vốn điều lệ.

Trong lần tăng vốn điều lệ lần thứ 9, bị cáo Diệp Dũng đã chỉ đạo tăng vốn lên 6.797 tỷ đồng, tức là tăng thêm 3.597 tỷ đồng (tương đương 53%) so với vốn điều lệ trong lần tăng trước đó.

Năm 2016, Saigon Co.op xin chủ trương mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam và được UBND Tp.HCM chấp thuận.

Sau đó, tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op nhận được 3.000 tỷ đồng. Nguồn tiền này có nguồn gốc từ việc một ngân hàng thương mại giải ngân vốn vay cho 6 công ty, gồm: Công ty cổ phần khu du lịch Bắc Mỹ An, Công ty TNHH MTV Anh Anh Minh, Công ty TNHH Phước Hùng Anh, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới, Công ty Sài Gòn Vina  và Công ty Thùy Dương Đức Bình.

Sau đó, 6 công ty này đã trực tiếp hoặc ủy thác cho nhiều công ty khác chuyển tiền góp vốn vào Saigon Co.op.

Ngày 19/8/2016, bị cáo Diệp Dũng (không thông qua HĐQT) mà tự ý chỉ đạo các cá nhân tại Phòng tài chính, Phòng kế toán của Saigon Co.op thực hiện các thủ tục để Diệp Dũng chuyển 1000 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng từ huy động vốn nhằm đặt cọc cho thương vụ mua lại chuỗi Big C Việt Nam; sau đó, ông Dũng tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á (300 tỷ đồng) và Công ty Đô Thị Mới (700 tỷ đồng).

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á, Công ty Đô Thị Mới, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm; việc chia lợi nhuận hai hợp đồng hợp tác trên không liên quan đến hoạt động kinh doanh của hai công ty Đô Thị Mới và Đại Á; việc hoàn trả lại vốn cho Saigon Co.op được đảm bảo bằng các hợp đồng cầm cố chứng khoán cho bên thứ 3.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2018, bị can Võ Thành Trung (Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới) và bị cáo Tôn Thất Hào (Tổng giám đốc Công ty Đại Á) lấy lý do hai công ty Đô Thị Mới và Đại Á dùng 1.000 tỷ kinh doanh không hiệu quả, không phát sinh lợi nhuận để đề nghị Saigon Co.op điều chỉnh giảm lợi nhuận.

Trước đề nghị này, bị cáo Diệp Dũng kí thỏa thuận bổ sung, đồng ý điều chỉ tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm kể từ ngày 19/8/2016.

Việc Diệp Dũng tự ý sử dụng tiền của Saigon Co.op và tự điều chỉnh lợi nhuận cố định đã dẫn đến việc hai công ty trên không chuyển trả cho Saigon Co.op bất cứ khoản lợi nhuận nào, gây thiệt hại cho Saigon Co.op gần 115,7 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về thuế là hơn 29,7 tỷ đồng).

Cũng theo cáo trạng, ông Diệp Dũng với vai trò Chủ tịch HĐQT vào thời điểm này nắm rõ Luật HTX; Điều lệ, quy chế làm việc của cơ quan điều hành Saigon Co.op; Quy chế quản lý tài chính Saigon Co.op; Các quy định liên quan của Saigon Coop và có trách nhiệm biết việc hợp tác đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT.

Quá trình điều tra, ông Diệp Dũng được đánh giá có thay đổi nhận thức, có thái độ hợp tác, thừa nhận hành vi phạm tội.

Trong vụ án này, Saigon Co.op được xác định là bị hại trong vụ án. HĐXX triệu tập 36 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến phiên toà.

Phiên toà do thẩm phán Phạm Lương Toản – Chánh toà hình sự TAND Tp.HCM làm chủ toạ, dự kiến phiên tòa kéo dài trong 2 ngày.