Hồ sơ điều tra

Cựu Bộ trưởng “ngã ngựa” sau màn phù phép đất công thành đất tư

Các bị cáo bị cáo buộc chuyển dịch tài sản của Nhà nước sang tài sản tư nhân, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Ngày 22/4 tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (SN 1953) trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại bộ Công Thương và TP.HCM.

Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau: Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Sabeco) tiền thân là nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng B.G.I, Pháp. Sau năm 1975, hãng B.G.I được Chính phủ giao cho bộ Lương thực và Thực phẩm, sau này là bộ Công Thương trực tiếp quản lý, trong đó có khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích 6.080m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Năm 2007, Sabeco thực hiện cổ phần hóa, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 17/4/2008, vốn điều lệ hơn 6.412 tỷ đồng, ngành nghề chính là sản xuất bia, rượu và nước giải khát.

Từ năm 2008 đến trước khi Nhà nước thoái vốn năm 2017, vốn Nhà nước tại Sabeco chiếm 89,59% nên theo luật Doanh nghiệp năm 2005, thời điểm năm 2008 đến 30/6/2015, Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước.

Từ ngày 1/7/2015 theo luật Doanh nghiệp năm 2014, Sabeco là công ty cổ phần có vốn Nhà nước.

Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn góp tại Sabeco. Bộ Công Thương thực hiện quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại Sabeco thông qua bộ phận quản lý vốn Nhà nước (sau đây viết tắt BPQLVNN). Vụ Công nghiệp nhẹ bộ Công Thương (sau đổi thành cục Công nghiệp) là đơn vị theo dõi, tham mưu, đề xuất lãnh đạo bộ Công Thương đối với các báo cáo của Sabeco.

Trong quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan điện diện chủ sở hữu đối với tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn; bị can Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng; bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng và bị can Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc bộ Công Thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư thực hiện Dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP.Hồ Chí Minh chấp thuận bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án, thì ngay sau đó, bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng, là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật; gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Cơ quan công tố quy kết, hành vi chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất trên là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân của các bị can đã gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước; gây bức xúc và suy giảm niềm tin của nhân dân.

Vì vậy, cần phải xét xử nghiêm minh đối với các hành vi nêu trên của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm trong vụ án nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.