Sức khỏe

Cứu bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nguy kịch nhờ kỹ thuật ECMO

Nữ bệnh nhân 26 tuổi sốt xuất huyết nặng biến chứng viêm cơ, ngưng tuần hoàn nguy kịch vừa được ê-kíp bác sĩ cứu sống nhớ kỹ thuật ECMO.

3 ê-kíp bác sĩ tiến hành cấp cứu

Ngày 3/1, tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa nỗ lực cứu sống nữ bệnh nhân H.T.A.N, 26 tuổi, ngụ Tp. Cần Thơ sốt xuất huyết nặng viêm cơ tim có biến chứng ngưng tim - choáng tim nguy kịch bằng kỹ thuật ECMO.

Trước đó, bệnh nhân N. tiền sử khỏe mạnh, bị sốt liên tục 6 ngày và nhập viện bệnh viện địa phương điều trị, sau đó nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 13h15 ngày 13/12/2022 với tình trạng sốt cao, tim loạn nhịp.

Ê-kíp tiến hành ép tim, can thiệp ECMO.

Bệnh nhân được chỉ định nhập viện Khoa Bệnh nhiệt đới. Các bác sĩ tiến hành điều trị sốt xuất huyết theo phác đồ với chẩn đoán: sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 7, viêm cơ tim, suy tim. Nhận định đây là một trường hợp viêm cơ tim, nên bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị.

Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim tiếp tục tiến triển nhanh suy tim nặng - sốc tim, ngừng tim.

Lúc này, 3 ê-kíp bác sĩ tiến hành vừa cấp cứu ngừng tim ngừng thở, các bác sĩ đơn vị nhịp học tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu tại giường.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc  thực hiện phương pháp Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation - ECMO). Bệnh nhân được ép tim hỗ trợ liên tục trong quá trình thực hiện ECMO để duy trì huyết áp tưới máu các cơ quan, đặc biệt là tưới máu não.

Sau 45 phút can thiệp, máy ECMO đã được kết nối với bệnh nhân. Các thông số sinh tồn của bệnh nhân nhờ hệ thống ECMO mang lại cải thiện rõ và đủ để duy trì huyết áp, tưới máu cho các tạng. Ngoài ra, bệnh nhân còn được thực hiện lọc máu liên tục để điều trị tình trạng suy đa tạng.

Sau can thiệp ECMO ngày thứ 7, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, huyếp áp ổn định, nhịp tim đều, liều thuốc vận mạch giảm dần, chức năng co bóp cơ tim cải thiện tốt.

Đến sáng 22/12/2022, bệnh nhân cải thiện tốt, tình trạng tim mạch ổn định được thực hiện ngưng hệ thống ECMO thành công.

Tuy nhiên, diễn tiến sau đó không thuận lợi. Bệnh nhân viêm phổi nặng – nhiễm trùng huyết – nhiễm nấm. Các bác sĩ phối hợp kháng sinh, kháng nấm, dinh dưởng ...  Sau gần 2 tuần nỗ lực điều trị tích cực, tình trạng bệnh cải thiện dần.

Tình trạng bệnh nhân ổn định sau thực hiện ECMO.

Hiện, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe dần hồi phục, có thể tự ăn uống và trao đổi cùng nhân viên y tế và người thân của mình. Đồng thời, được chuyển sang Khoa Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Đối mặt nguy cơ tử vong rất cao

Người nhà của bệnh nhân xúc động cho biết, bệnh nhân còn rất trẻ, con còn rất nhỏ, có lúc gia đình tưởng như tuyệt vọng khi bác sĩ cho hay tình trạng bệnh nhân tiến triển quá nặng, ngừng tuần hoàn. Đến nay, sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân đã mang lại niềm hạnh phúc không thể diễn tả cho gia đình và cả tập thể thầy thuốc bệnh viện.

Theo Bs.CK2. Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bệnh viện, viêm cơ tim là tình trạng cơ tim bị viêm. Nguyên nhân gây bệnh hay gặp nhất là do virus. Ngoài ra, cũng có thể liên quan đến bệnh lý tự miễn và bệnh hệ thống.

Biểu hiện lâm sàng của viêm cơ tim cũng rất đa dạng, từ bệnh nhân không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ tự hồi phục mà không cần điều trị, cho đến bệnh nhân diễn biến suy tim nặng và tiến triển sốc tim.

Biến chứng đe doạ tính mạng của viêm cơ tim là sốc tim và rối loạn nhịp. Những bệnh nhân này không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các thuốc trợ tim. Nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao, nếu không được hỗ trợ các biện pháp hỗ trợ tuần hoàn cơ học.

VA-ECMO là phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể nhằm để cho cơ tim được nghỉ ngơi chờ đợi hồi phục. Khi chức năng tim bệnh nhân hồi phục, hỗ trợ của máy ECMO sẽ được giảm và ngừng, giúp cứu sống bệnh nhân.

Đặc biệt, bệnh nhân này tiến hành can thiệp ECMO khi bệnh nhân ngưng tuần hoàn. Nhóm bệnh nhân viêm cơ tim ngừng tuần hoàn có nguy cơ tử vong cao nhiều lần so với nhóm bệnh nhân không ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định.

Việc ngừng tuần hoàn xảy ra sẽ làm xấu đi chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể và làm giảm khả năng phục hồi của bệnh nhân. Các rối loạn nhịp phức tạp sẽ kéo dài thời gian chạy ECMO, cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân.

Điều này sẽ làm gia tăng các biến cố liên quan đến điều trị như chảy máu, nhiễm trùng, rối loạn đông máu mà tiêu biểu là đông máu nội mạc rải rác liên quan đến đông màng của máy ECMO, các biến cố thiếu máu chi, huyết khối...       

Trước đây, khi chưa sử dụng áp dụng kỹ thuật VA-ECMO điều trị, người bệnh viêm cơ tim có sốc tim thường đối mặt nguy cơ tử vong rất cao. 

Do đó, sự hồi phục của người bệnh sau khi đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO tại bệnh viện, đã khẳng định thêm sự thành công về năng lực triển khai, năng lực chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật hiện đại của các bác sĩ hồi sức cấp cứu, góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Thanh Lâm