Tiêu điểm

Cưỡng ép mang thai, phá thai là hành vi bạo lực gia đình

Các đại biểu đều đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 14/6, đại biểu Hà Thị Nga (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực về thể chất, về tinh thần, về tình dục, về kinh tế.

Bổ sung thêm các hành vi như là cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn hay cưỡng ép sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc là các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Nga cho rằng cưỡng ép hoặc ngăn cản các biện pháp tránh thai, sinh đẻ nhiều, mang thai hộ là hành vi gián tiếp cổ vũ bạo lực gia đình.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với một số ý kiến phát biểu trước, đó là không nên để bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng. Đại biểu dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, luật mẫu về bạo lực gia đình của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia đó là xác định mối quan hệ nảy sinh bạo lực gia đình càng rộng càng tốt.

Vì vậy, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo luật bổ sung thành viên gia đình của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng cũ là đối tượng áp dụng quy định nếu có hành vi bạo lực gia đình. Nếu như chỉ quy định như dự thảo luật thì dường như chưa bao gồm những đối tượng này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để đưa người gây bạo lực cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng, chống bạo lực gia đình và nếu luật chỉ quy định về xử phạt vi phạm cấm tiếp xúc mà chưa coi trọng, chưa coi người gây ra hành vi bạo lực gia đình là đối tượng cần được trợ giúp tư vấn thì khó có thể giải quyết được gốc, rễ vấn đề, như vậy hành vi bạo lực gia đình sẽ có nguy cơ tái diễn trong thực tế.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến tranh luận.

Phát biểu tranh luận thêm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, đối với quy định về cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi, đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “vợ hoặc chồng” và chỉnh sửa theo hướng cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính thai nhi là bạo lực gia đình, để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ.

“Bởi, các hành vi bạo lực như nêu trên không chỉ có vợ hoặc chồng mà còn có thể có sự can thiệp, cưỡng ép từ các thành viên khác trong gia đình như ông bà, cha mẹ...”, bà Phúc nói.