Góc nhìn luật gia

Cuốc xích lô 5 phút “chém” 2,9 triệu đồng, người lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Chuyên gia pháp lý cho rằng, lái xe xích lô lợi dụng bị hại là người cao tuổi, lại là khách nước ngoài nên đã thò tay vào bóp lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000 rồi bỏ đi, có dấu hiệu cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, vụ việc du khách Nhật Bản tên Oki Toshiyuki (83 tuổi) phải trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút ở TP.HCM khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ.

Người lái xích lô "chặt, chém" du khách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Theo lời cụ Oki Toshiyuki, khoảng 6h ngày 3/8, ông ra khỏi khách sạn, đi dạo chơi loanh quanh thì được một người chạy xích lô chào mời. Khi đi xích lô từ chợ Bến Thành về khách sạn thì ông Oki có ý định sẽ gửi người đạp xe là 500.000 đồng. Tuy nhiên, người chạy xích lô chỉ thả ông Oki gần khách sạn.

Khi ông Oki rút bóp lấy tờ 500.000 đồng thì anh này tỏ ý đòi thêm. Cụ cũng đồng ý nhưng chưa kịp lấy thêm tiền thì người chạy xích lô thò tay vào bóp lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000 rồi bỏ đi.

Theo quan điểm của Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì hành vi nói trên của lái xe xích lô không chỉ còn là hành vi “chặt chém” khách du lịch mà còn có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 172, BLHS 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017).

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Luật sư Hiền phân tích, hành vi lấy tiền trong ví được thực hiện một cách cố ý, công khai không cần che dấu, trước mặt những người khác trong đó có bị hại. Mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Về việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này, người lái xích lô biết bị hại là người cao tuổi, lại là người nước ngoài nên không có đủ khả năng tự vệ.

Tiếp nữa, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt sảy ra với tốc độ bình thường, không nhanh chóng như đối với tội Cướp giật tài sản. Ở đây cũng không có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc vì vậy cũng không cấu thành Tội cướp tài sản.

Tuy nhiên, luật sư Hiền cũng nhấn mạnh, nếu có căn cứ chứng minh việc người lái xe xích lô có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hay có thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản của ông cụ người Nhật thì khi đó mới cấu thành tội Cướp tài sản hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản.

Như vậy, dưới góc nhìn pháp lý của luật sư Hiền, hành vi của lái xe xích lô có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 172, BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Về trách nhiệm hình sự, người lái xe xích lô có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”, luật sư Hiền cho biết.

Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.