An ninh - Hình sự

Cuộc vượt ngục chấn động Thế chiến II: Đào hầm dưới cát, dùng tất vận chuyển hơn 100 tấn đổ ra vườn

Vụ vượt ngục Stalag Luft III vào đêm 24/3/1944 đã trở thành một sự kiện lịch sử khiến cả thế giới phải chao đảo và thán phục.

Khoảng 22h30 tối ngày 24/3/1944, Johnny Bull chui từ mặt đất lên, hít từng đợt “không khí tự do” căng tràn phổi mặc cho bầu không khí đang vô cùng lạnh giá. Người tù nhân chiến tranh nhúc nhích từng chút một để có thể chui hoàn toàn ra khỏi đường hầm sâu hơn 30m dưới lòng đất. Sau khi đã đứng vững chãi trên mặt đất, Johnny quay khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi dính đầy bùn đất, cỏ dại nhìn về phía trại giam Stalag Luft III, nơi những người anh em không may mắn của mình bị bắt lại trong cuộc vượt ngục vừa rồi.

Những người lính hải đội RAF

Stalag Luft III là một trại tù binh nước Đức cách khoảng 100 dặm về phía đông nam Berlin. Trong trại giam khi đó đang tạm giam hàng ngàn phi công của phe Đồng minh bị bắt trong Thế chiến II.

Stalag Luft III được coi là nơi khó thể trốn thoát nhất vì nơi đây địa hình đất nền có pha cát vàng không phù hợp cho việc đào hầm. Bên cạnh đó, xung quanh trại giam được trang bị micro ghi nhận chấn động. Các khu giam giữ được xây cách mặt đất 60cm để những tên lính gác có thể bò kiểm tra, tìm kiếm xem có bất kỳ đường hầm nào hay không. Không chỉ vậy, bao bọc quanh khu nhà tù là hai hàng rào dây thép cao gần 2,5m, mỗi lớp cách nhau 1,5m. Bất cứ vật thể nào bước qua hàng rào sẽ bị súng máy trên tháp canh bắn.

Bỏ mặc những điều kiện về địa hình và con người đầy khắc nghiệt như vậy, Roger Bushell, thủ lĩnh hải đội RAF đã lên kế hoạch chi tiết cho cuộc vượt ngục cho hàng loạt tù nhân vào mùa xuân năm 1943. Roger bị bắn hạ trong cuộc di tản Dunrik năm 1940 và được chuyển đến Stalag Luft III vào tháng 10/1942 vì đã từng vượt ngục 2 lần trước đó.

Đầu năm 1943, Roger cùng những tù nhân khác âm thầm bắt đầu thực hiện kế hoạch vượt ngục của mình. Họ quyết định đào 3 đường hầm và đặt biệt danh cho chúng là Tom, Dick và Harry, tất cả đều có chiều dài khoảng 91m ra đến tận bên ngoài nhà tù. Theo quy tắc của Công ước Geneva, nếu đào hầm bị bắt sẽ chỉ phải ngồi biệt giam 10 ngày nên nhóm tù nhân quyết định sẽ thử mạo hiểm 1 lần.

Roger Bushell

Theo tính toán, Tom nằm cách lớp hàng rào dây thép gai về phía Tây khoảng 30m. Lối dẫn xuống đường hầm được đào qua lớp bê-tông nằm ngay bên ngoài cửa bếp. Dick bắt đầu từ một căn nhà gỗ nằm cách hàng rào xa hơn. Đường hầm Harry được làm phía dưới một bếp lò.

Tương tự với việc chia địa điểm đường hầm, tù nhân cũng được chia thành từng nhóm khác nhau với các nhiệm vụ cụ thể như đào hầm, vẽ bản đồ, kiểm tra cảnh báo... Thông thường việc chia nhóm sẽ dựa theo phi đoàn làm việc hoặc quốc gia đang phục vụ.

Tất cả những đường hầm đều được đào sâu xuống dưới lòng đất khoảng 9m để nằm ngoài phạm vi kiểm soát của hệ thống micro ghi chấn động. Làm việc trong điều kiện ngột ngạt nhưng các tù nhân không hề than vãn một lời. Hơn 100 tấn cát được họ nhét từng chút vào tất sau đó mang ra ngoài âm thầm mang ra vườn đổ khi những tù nhân khác đang xới đất. Đồng thời, trong quá trình đào hầm, tất cả tù nhân đều cởi bỏ quần áo và giày để cát vàng không dính lên người, tránh sự nghi ngờ của lính canh Đức.

Một nhóm tù nhân khác có nhiệm vụ chọn lọc rác và lấy cắp tài liệu cho ngày tẩu thoát. Họ đã tước 4.000 tấm ván giường bằng gỗ để làm thang và chống sập hầm, hơn 1.700 chiếc chăn mỏng được vây quanh tường hầm để ngăn chặn âm thanh. Toàn bộ tù nhân đã sử dụng 1.400 hộp sữa do Hội Chữ thập đỏ cung cấp để tái chế thành dụng cụ đào bới và đèn. Một tù nhân đã mạo hiểm lấy trộm 1 sợi dây trong phòng quản giáo để thiết kế hệ thống bóng đèn chạy dọc đường hầm. Không những vậy, nhóm tù nhân chuyên về cơ khí đã thiết kế hệ thống máy bơm không khí và xe đẩy ngầm.

Bản phác thảo lại thiết kế đường hầm 

Trong quá trình tiến hành đào hầm, tên quản ngục bất ngờ cho tổ chức cuộc kiểm tra bất ngờ và phát hiện Tom. Ngay lập tức, hắn ra lệnh cho quân lính đưa thuốc nổ vào để phá hủy Tom. Ngay sau khi Tom bị phá hủy, Roger cho dừng lại công việc ở 2 đường hầm còn lại cho đến tận tháng 1/1944.

Đêm 24/3/1944, tất cả tù nhân tập trung bò vào đường hầm Harry theo sự chỉ dẫn của Johnny Bull, vượt qua khu tháp canh đến khu rừng phía bên ngoài. Tuy nhiên, một điều không may mắn đã xảy ra, một phần đường hầm bị sụp và chỉ có hơn 70 người trốn thoát thành công. Ngay lúc này, còi báo động réo từng hồi liên tục. Lính canh Đức đã nhanh chóng truy tìm tất cả số tù nhân vượt ngục trong một thời gian dài nhưng chỉ bắt lại được 50 người. Chỉ có khoảng dưới 10 người chạy trốn đến nơi tập kết an toàn, số còn lại qua đời bởi cái rét hoặc thiếu thốn lương thực.

Một số hình ảnh bên trong của đường hầm 

Adolf Hitler vô cùng giận dữ nên đã ra lệnh xử tử 50 tù nhân vượt ngục bị bắt lại như một lời cảnh báo cho các tù nhân khác đang tự do ngoài kia. Tuy nhiên đến năm 1947, một tòa án quân sự đã cáo buộc 18 binh sĩ Đức Quốc xã phạm tội ác chiến tranh vì đã bắn chết các tù nhân đang bị bắt giữ. 13 trong số họ đã phải nhận bản án tử hình.

Mặc dù số người sống sót của cuộc vượt ngục Stalag Luft III không nhiều nhưng sự kiên trì và trí thông minh, không chịu khuất phục của những người chiến sĩ thời chiến đã gây chấn động khắp thế giới. Đến sau này, cuộc vượt ngục đã trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn John Sturges chuyển thể thành bộ phim The Great Escape.

Han (theo History)