Văn hoá

Cuộc trường chinh của chiến sĩ “chân trần chí thép” gùi 55 tấn hàng đi bộ một vòng Trái đất

Người anh hùng chúng tôi muốn nhắc đến là Đại tá Nguyễn Viết Sinh, quê Nghệ An. Ông là bộ đội Trường Sơn có 4 năm đi gùi hàng, đưa vũ khí, nhu yếu phẩm… vào chiến trường. Người chiến sĩ ấy đã mang được 55 tấn hàng và đi 41.025km, quãng đường tương đương một vòng Trái đất.

Tự hào người lính Trường Sơn

Chúng tôi tìm về nhà Đại tá Nguyễn Viết Sinh (SN 1941) tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nghe ông kể về những câu chuyện khó tin nhưng hết sức kỳ diệu trên con đường Trường Sơn lịch sử. Những kỷ niệm đó vẫn in hằn trong tâm trí ông. Anh hùng Nguyễn Viết Sinh hiện sống giản dị cùng với vợ ở căn nhà cấp bốn. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vị Đại tá già ấy vẫn nhớ như in về năm tháng ở chiến trường. Người chiến sĩ giao liên kiên trung ấy đã kể về hành trình đi gần một vòng Trái đất gùi hàng vũ khí đạn dược, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam với vẻ mặt hết sức tự hào.

Ông Nguyễn Viết Sinh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Viết Sinh lên đường nhập ngũ. Gần một ngày đêm ngồi trên chiếc xe phủ bạt kín mít, người lính trẻ cùng đồng đội đặt chân đến làng Ho, tỉnh Quảng Bình. Ông Sinh được phân công vào Tiểu đoàn bộ binh 30, được nhận nhiệm vụ tải hàng “tiếp lửa” cho chiến trường miền Nam.

Đại tá Nguyễn Viết Sinh kể về những ký ức hào hùng

Ông Sinh kể, thời điểm đó, quân ta vừa đi vừa mở đường, phương tiện cơ giới không an toàn nên các chiến sĩ phải gùi hàng hóa, súng đạn, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. “Mới đầu, tôi chỉ gùi được 15 - 20kg. Tuy nhiên, vài ngày sau quen thì có thể gùi từ 40 – 60kg. Thậm chí có thời điểm tôi gùi được 75kg, nặng hơn trọng lượng cơ thể khoảng 20kg. Cứ mỗi ngày đều đặn khởi hành gần 20km đi và gần 20km về như thế, không nghỉ ngơi”, ông Sinh xúc động nhớ lại.

Với khẩu hiệu “1kg hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu”, ông đã cùng đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn, với địa hình núi đèo hiểm trở, vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng tiếp lửa cho miền Nam. “Lúc mới gùi hàng, có những lúc tưởng chừng như không thể chịu đựng được. Vai bị sưng phồng vì quai gùi hàng siết chặt. Tuy nhiên lâu dần, những vết thương ấy trở nên chai sạn, trơ cứng. Có những thời điểm, tôi và các đồng đội bị sốt rét nhưng cũng phải cố gắng gùi hàng cho kịp, tránh thời điểm bị máy bay địch bỏ bom”, ông Sinh kể về những gian khó.

Nói về những năm tháng “cõng hàng” Trường Sơn, ông Sinh cho biết, người lính chiến trường làm việc khổ là vậy nhưng ăn uống còn khổ hơn bởi sự thiếu thốn và đói. Có những ngày di chuyển ở Hạ Lào, trời mưa anh em hết thức ăn nên cả đội chỉ ăn rau rừng và măng cho qua ngày để hoàn thành nhiệm vụ. “Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu vì sao ngày xưa mình lại có sức khỏe phi thường đến như vậy. Với dốc rừng cheo leo, ngày mưa gió rét mướt cũng như ngày nắng, chúng tôi đều đặn gùi hàng. Mưa đã khổ nhưng sau mưa còn khổ hơn, bởi con đường mòn trở nên lầy lội và trơn trượt. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, sẩy chân cả hàng và người đều có thể rơi xuống vực. Nhưng với lòng căm thù giặc, mong đất nước được hòa bình, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, vị Đại tá kể lại.

Kỳ tích tạo nên từ điều bình dị

Chúng tôi không thể ngờ một người thể trạng gầy gò như ông (lúc thanh niên cũng chỉ 55kg) lại có một sức khỏe phi thường đến như vậy. Nhìn vào bảng thàng tích ai cũng “sốc” bởi con số ông gùi hàng đến bất ngờ. Năm 1962, ông gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; năm 1963, ông gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; năm 1964, mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km... 4 năm trèo đèo lội suối, quãng đường ông đi đã ngót nghét một vòng Trái đất.

Vị Đại tá xúc động nhớ lại: “Thương những đồng chí đã ngã xuống. Thời điểm đó, nhiều đồng đội đã rơi nước mắt. Họ khóc không phải vì mệt nhọc, vì đói,... mà khóc vì hàng ngày phải chứng kiến đồng đội của mình hy sinh. Nhưng càng mất mát, đau buồn, chúng tôi càng quyết tâm, cố gắng vượt qua mọi trở ngại để “tiếp lửa” cho chiến trường. Trên bom, dưới đạn, anh em luồn rừng, vượt vách núi, vực thẳm mà đi, vì miền Nam thân yêu, vì độc lập dân tộc. Tất cả chúng tôi đều cố gắng, mong chi viện được nhiều vũ khí, đạn dược, nhiều gạo cho chiến trường”.

Đại tá Nguyễn Viết Sinh - người chiến sĩ giao liên đi gần một vòng Trái đất gùi hàng vũ khí đạn dược, tiếp lửa cho chiến trường miền Nam.

Với những kỳ tích trên, ngày 1/1/1967, ông Nguyễn Viết Sinh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ông là  một trong những anh hùng đầu tiên ở Trường Sơn và được ra Hà Nội báo cáo điển hình. “Tôi rất bất ngờ khi được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân. Thời điểm ấy, tôi cứ nghĩ mình được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Cả đêm hôm đó, tôi đã không ngủ được. Tuy nhiên, xe cộ hồi đó chỉ ưu tiên cho vận tải súng đạn, lương thực, thực phẩm. Do vậy, từ ngã ba Đông Dương, tui đi bộ, 10 ngày băng rừng, lội suối nhưng ra đến trạm Cổng Trời, đêm mắc võng ngủ nghe đài phát thanh đã đưa tin về Hội nghị tuyên dương anh hùng. Tôi đành trở về đơn vị. Điều tôi tiếc nhất là không được gặp Bác Hồ”, ông Sinh tâm sự.

Kỷ lục của ông cũng đã được viết trong cuốn “Chân trần chí thép” được xuất bản vào tháng 4/2010, của Trung tá thủy quân lục chiến James G.Zumwalk viết về đường Hồ Chí Minh. “Trước khi xe cơ giới có thể lưu thông trên đường mòn, gùi hàng là cách thức vận tải chính yếu. Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45 - 50kg.

Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng Trái đất theo đường xích đạo và mang theo 1 lượng hàng bằng với trọng lượng cơ thể”, trích đoạn trong sách.

Câu chuyện tình yêu của vị anh hùng này cũng rất đặc biệt. Ông và vợ Đinh Thị Vân (SN 1947) là hàng xóm của nhau. Lớn lên, ông đi bộ đội, bà cũng lên đường gia nhập vào thanh niên xung phong. Cuộc gặp gỡ của họ ít ỏi nhưng tình cảm lớn lên dần qua những cánh thư. Họ động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, năm 1965, bà bị thương nặng trong lần san đường, một chân bị trúng đạn. Sợ người yêu mình khổ, bà Vân đã quyết định chia tay ông Sinh. Ông Sinh tuy không biết bà Vân bị thương nên cũng dặn bà ở nhà có ai thương thì lấy chứ ông không biết sống chết như thế nào. Nhưng rồi tình yêu của họ quá lớn, không thể tách rời, hai trái tim nhiệt huyết lại động viên nhau vượt qua tất cả, chờ ngày hội ngộ.

Đến năm 1969, ông Sinh được đơn vị cử ra Hà Nội để học, cũng dịp ấy, hai ông bà tổ chức đám cưới. Ba người con đủ nếp tẻ lần lượt ra đời. Hiện tại, con cái đã lập gia đình và thành đạt.

Giờ đây, vợ chồng ông Sinh quyết định về quê Xuân Hòa để sống nốt quãng đời còn lại. Cuộc sống vợ chồng ông bà hết sức giản dị. Thời gian này, bà Vân vừa mới phẫu thuật cắt phần dạ dày, mọi công việc dọn dẹp, nấu ăn,… đều do ông Sinh đảm nhận. Không muốn phiền con cháu nên ông bà đều tự chăm sóc nhau, nương tựa tuổi già.