Văn hoá

Cuộc thi Sáng tác Kịch bản Phim truyện Điện ảnh không trao giải nhất

Sáng 31/12 tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã trao giải cuộc thi Sáng tác Kịch bản Phim truyện Điện ảnh năm 2020. Cuộc thi không trao giải nhất, vậy lý do là gì?

Theo đó, cuộc thi được phát động từ ngày 14/9, dù trong khoảng một thời gian rất ngắn nhưng ban tổ chức nhận được tổng số 226 kịch bản dự thi, trong đó có 186 kịch bản hợp lệ theo đúng thể lệ của cuộc thi và 40 kịch bản không đúng thể lệ. Có tổng số 152 tác giả thuộc 32 tỉnh, thành cả nước, ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã gửi kịch bản tham dự. Trong đó, 32 tác giả đã gửi 2 kịch bản dự thi. Tác giả nhỏ tuổi nhất 16 tuổi (sinh năm 2004) và tác giả lớn tuổi nhất 82 tuổi (sinh năm 1938).

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh, Trưởng ban chung khảo cuộc thi.

"Đây là một con số kỷ lục so với các kỳ phát động trước đây. Lý do, có lẽ do dịch covid-19 nên các biên kịch có thời gian hơn và vì cả chục năm chưa tổ chức thi kịch bản nên nguồn kịch bản trong dân nhiều", Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh, Trưởng ban chung khảo cuộc thi cho biết.

Ban giám khảo của cuộc thi đánh giá các kịch bản gửi về lần này đề tài đa dạng, có phim lịch sử, dã sử, đương đại, chiến tranh, hậu chiến, đề tài gia đình, thanh thiếu niên, vụ án… Về chất lượng, ban giám khảo đánh giá chưa có nhiều kịch bản thực sự nổi bật nên quyết định không trao giải nhất. 

"Vòng chung khảo chúng tôi đã nhận được 18 kịch bản đã vượt qua được sơ khảo, theo khung giải thưởng sẽ là 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích, nhưng chất lượng kịch bản khác nhau. 9 thành viên chấm kịch bản làm việc công khai, thận trọng và chọn được 8 kịch bản tốt nhất nhưng không tìm ra giải nhất. Lý do là không có kịch bản đặc biệt xuất sắc. Hai kịch bản đạt giải nhì là hai tác phẩm xứng đáng, các kịch bản có cái nhìn đa dạng về cuộc sống. Bản thân giám khảo khi chấm kịch bản thì không được biết tên tác giả, kịch bản chỉ đánh mã số và dọc phách nên việc chấm công khai, không thiên vị ai cả..." - Bà Ngô Phương Lan cho hay.

Cụ thể, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhì (50 triệu đồng/giải) cho 2 kịch bản Culi không bao giờ khóc tác giả Phạm Ngọc Lân và Nghiêm Quỳnh Trang; và Thiên mạc hùng ca tác giả Nguyễn Thị Mai Phương. Tác giả trẻ Phạm Ngọc Lân là người theo đuổi dòng phim độc lập, từng có phim ngắn lọt vào những liên hoan phim quốc tế uy tín. Khi lên nhận giải, các tác giả trẻ đều bày tỏ sự bất ngờ và cảm kích trước sự cởi mở của ban tổ chức.
 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành (bên trái), TS. Ngô Phương Lan (bên phải), trao giải Nhì cho hai kịch bản Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân - Nghiêm Quỳnh Trang và Thiên mạc hùng ca của Nguyễn Thị Mai Phương

 
3 giải Ba (30 triệu đồng/giải) được trao cho kịch bản: Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn tác giả Phạm Thùy Nhân; Nổi loạn tác giả Nhiếp Thị Hải Anh; và Vầng trăng thơ ấu tác giả Đặng Thị Thanh Bình.
 
3 giải Khuyến khích (10 triệu đồng/giải) được trao cho các kịch bản: Đêm ả đào tác giả Đặng Thu Hà; Kiếm gỗ và kiếm thép tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Mai An); Me Tư Hồng tác giả Huỳnh Bá Long.

Bà Lý Phương Dung - Cục phó cục Điện ảnh (trái) và đạo diễn Đào Duy Phúc (Phải) trao giải ba cho cho 3 kịch bản: Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Nổi loạn của Nhiếp Thị Hải và Vầng trăng thơ ấu của Đặng Thị Thanh Bình.

Ông Đặng Văn Hào - Chánh văn phòng cục Điện ảnh (trái) và Biên kịch Trịnh Thanh Nhã trao giải khuyến khích cho 3 kịch bản: Đêm ả đào của Đặng Thu Hà, Kiếm gỗ và kiếm thép của Nguyễn Anh Tuấn và Me Tư Hồng của Huỳnh Bá Long.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: "Cục sẽ cố gắng đưa hai phim đoạt giải nhì vào kế hoạch sản xuất phim của nhà nước vì đây là hai kịch bản thực sự chất lượng. Khi tổ chức cuộc thi này chúng tôi đã cố gắng tổ chức một ban giám khảo có tư duy cởi mở, để chọn những kịch bản mới mẻ, có khả năng đưa vào sản xuất. Năm 2021, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức cuộc thi kịch bản dành cho phim hoạt hình và phim tài liệu".