Tiêu điểm thế giới

Thượng đỉnh Putin-Biden: "Thêm gia vị" thân tình hay "dằn mặt" chuyện Ukraine?

Thêm một chút gia vị hữu nghị trong thời điểm thù địch là điều có lợi cho cả hai bên. Đây chính là lý do tại sao Nga-Mỹ bất chấp tất cả để tổ chức cuộc gặp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có nhiều cuộc gặp liên tiếp với các nhà lãnh đạo của EU, NATO và Nga.

Thiết lập và củng cố

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới châu Âu. Sau khi tham dự cuộc họp G7 ở Anh, ông dự kiến ​​sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo EU và NATO. Sau đó, ông sẽ tới Geneva để gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Theo The National, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ hôm 16/6 sẽ là thiết lập và củng cố lằn ranh đỏ cũng như xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, không có đột phá đáng kể nào được chờ đón. Bởi thực tế cuộc họp được lên lịch trong thời gian ngắn ngủi. Về cơ bản đây là một cuộc gặp hàn gắn về mặt hình tượng, nơi hai nhà lãnh đạo sẽ đứng chung khung hình, nhưng mọi khía cạnh đều không ổn đối với cả hai quốc gia.

Giới quan sát tin rằng, sẽ không có một thông cáo chung hay một cuộc họp báo có sự tham gia của hai người.

Điều này cũng xuất phát từ khả năng hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ trước đó một ngày dự kiến ​​sẽ không có những lời nhẹ nhàng dành cho Điện Kremlin, dù là về các vấn đề đối nội của Nga hay các cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và Belarus.

Với cuộc khủng hoảng vừa nổ ra ngay tại biên giới châu Âu, an ninh của Ukraine trở thành vấn đề phương Tây quan tâm. Nếu như chính quyền Biden có thể coi những gì họ coi là “sự can thiệp của Nga vào Ukraine” là ranh giới đỏ, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải lưu tâm đến lằn ranh đỏ của người đồng cấp Putin liên quan đến khả năng gia nhập NATO của Kiev.

Ông chủ Điện Kremlin và ông Biden đều muốn thảo luận về an ninh mạng, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng gần đây ở Mỹ, nhưng họ có cách tiếp cận hoàn toàn khác về vấn đề này.

Moscow cũng hy vọng sẽ thảo luận về các vấn đề giải trừ quân bị và giải quyết tình trạng bế tắc ngoại giao khiến các lãnh sự quán đóng cửa và các nhà ngoại giao bị trục xuất khỏi cả hai nước. Hai bên cũng có thể sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận về các biện pháp chung nhằm ổn định Afghanistan.

Không dừng lại ở đó, hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng thảo luận về Trung Quốc đang trỗi dậy. Sẽ không bất ngờ khi ông Biden cố gắng khuyên can người đồng cấp Nga liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Với đề xuất như vậy có thể là Nga sẽ tiếp tục hợp tác chiến lược với Trung Quốc nhưng không nhất thiết tăng cường hợp tác quân sự.

Thêm gia vị hữu nghị

Tổng thống Putin.

Chương trình vũ khí hạt nhân của Iran cũng dự kiến nằm trong danh sách nghị sự của ông Putin và ông Biden. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại Vienna với sự tham gia của Iran và các cường quốc toàn cầu bao gồm Mỹ và Nga, với mục đích khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà chính quyền Trump trước đó đã từ bỏ.

Giới phân tích tin rằng, hai nhà lãnh đạo khó có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này, nhưng các nhà đàm phán Mỹ và Nga tin tưởng các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna thành công sẽ có ý nghĩa đối với hội nghị thượng đỉnh.

Nhiều người mong đợi một thỏa thuận chung để thể hiện rằng các bên đang đi đúng hướng, dẫu cho giải pháp cuối cùng có thể chưa được thống nhất.

Lý do là bởi chính quyền Biden không muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quân sự, trong khi Tehran kiên quyết về việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp áp đặt.

Cả Nga-Mỹ đều cho rằng những tình tiết quan trọng này không thể bỏ qua, nên các bên có thể sẽ đồng ý trì hoãn một thỏa thuận cuối cùng cho đến khi tìm được sự thống nhất. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có một thỏa thuận nào đạt được trước cuộc bầu cử tổng thống Iran trong thời gian một tuần.

Một số vấn đề khu vực có thể sẽ được thảo luận tại Geneva, bao gồm các đảm bảo an ninh bổ sung cho Israel mà ông Biden sẽ muốn ông Putin tham gia. Điều này sẽ đòi hỏi không chỉ đòn bẩy của Nga trong quan hệ với Iran để kiềm chế Hezbollah ở Lebanon, mà còn kiềm chế các nhóm hoạt động bên trong Syria liên quan đến Iran mà Israel coi là mối đe dọa đối với an ninh nước này.

Ông Putin có thể sẽ đồng ý với yêu cầu của Mỹ, nhưng để  thành hiện thực, sẽ cần phải có thiện chí hợp tác từ phía Tehran. Việc Iran chấp thuận được đánh giá là điều khó xảy ra, vì ưu tiến của quốc gia này vẫn là tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với các cường quốc toàn cầu và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Với những thách thức nói trên, nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin sẽ đóng vai trò như một nền tảng để các nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm và nhắc nhở nhau về ranh giới đỏ của cả hai hơn là đạt được bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa nào.

Nhưng thêm một chút gia vị hữu nghị trong thời điểm thù địch là điều có lợi cho cả hai bên. Đây chính là lý do tại sao cả hai nhà lãnh đạo đều nhất quyết tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh, bất chấp kết cục hội nghị đi đến đâu.