Tiêu điểm thế giới

Cuộc đua vào Nhà Trắng: Ông Joe Biden thắng cử sẽ là "món quà" cho Iran?

Theo các nhà phân tích, nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng, đó sẽ không phải là tin vui cho các quốc gia như Saudi Arabia hay Israel. Cuộc đua vào Nhà Trắng dự báo sẽ vô cùng khốc liệt...

Tổng thống Trump đang bước vào cuộc đua tái cử cam go.

Với cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang giữ vững vị trí dẫn trước trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Theo một cuộc thăm dò của CBS News, ông Biden hiện đang nắm lợi thế so với Tổng thống Donald Trump và các cuộc khảo sát dự đoán ông nhiều khả năng sẽ duy trì khoảng cách này cho đến ngày bầu cử.

Tuy nhiên, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa ông Biden và ông Trump không phải tín hiệu tốt với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Theo nhà phân tích chính trị Ahmed Al Ibrahim, điều này xuất phát từ việc chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump luôn phù hợp với hướng đi của Saudi Arabia và một số quốc gia vùng Vịnh khác.

"Ông ấy có thể là một nhân vật gây tranh cãi, người luôn nói ra suy nghĩ của mình, nhưng ông ấy đáng tin cậy và tuân thủ cam kết. Thêm vào đó, ông ấy hiểu rất rõ về khu vực. Chúng tôi có sự tin tưởng lẫn nhau và một số lợi ích chung", chuyên gia Ibrahim nhận định với Sputnik.

Lợi ích chung

Những "lợi ích chung" này chủ yếu tập trung vào mối đe dọa được cho là đến từ Iran.

Sự thù địch lâu đời giữa Iran và Saudi Arabia, xoay quanh sự khác biệt tôn giáo, đã phát triển thành một cuộc đối đầu địa chính trị, với mỗi bên cố gắng định vị mình là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo và là cường quốc hàng đầu trong khu vực.

Chương trình hạt nhân Iran mà theo đuổi nhiều năm qua đã càng làm trầm trọng thêm những căng thẳng này. Riyadh nhấn mạnh, dự án hạt nhân của Tehran là hướng tới phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt mà cuối cùng sẽ được sử dụng để chống lại kẻ thù, bao gồm cả chính Saudi Arabia.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng có những lo ngại tương tự. Đó là lý do tại sao, ngay sau khi nhậm chức, tân tổng thống đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm làm suy yếu kinh tế Tehran cũng như kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này - những hành động đã được hưởng ứng nhiệt tình ở Riyadh.

Tuy nhiên, giờ đây, với viễn cảnh ông Trump rời đi và ứng viên đảng Dân chủ Biden lên nắm quyền, chính sách này có thể gặp rủi ro.

"Nếu Biden lên nắm quyền, ông ấy sẽ trao quyền cho kẻ thù của chúng tôi là Iran và sẽ đưa chúng tôi trở lại thời điểm vài năm trước", chuyên gia Al Ibrahim nói về ý định ngồi lại đàm phán với Iran của cựu phó tổng thống dưới thời Barack Obama.

Theo các nhà phân tích, ông Joe Biden thắng cử sẽ là "món quà" cho Iran.

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Tiềm năng ông Biden chuyển sang một mối quan hệ thiện chí hơn với Iran không phải là mối lo ngại duy nhất của các quốc gia vùng Vịnh.

Là một ứng cử viên của đảng Dân chủ, ông Biden được cho là có lập trường rất giống với cựu Tổng thống Barack Obama, người có chính sách không phải lúc nào cũng theo ý muốn của một số nhà lãnh đạo Ả Rập.

Thứ nhất, các quốc gia vùng Vịnh không thích cách ông Obama xử lý cuộc chiến Syria và coi ông là nhà lãnh đạo quá mềm yếu trong việc đương đầu với khủng hoảng. Tiếp theo đó, vùng Vịnh "cau mày" trước cách nước Mỹ hạ bệ chính phủ Bahrain về vấn đề nhân quyền và cuối cùng là quan điểm về phong trào Mùa xuân Ả Rập, bên cạnh sự ủng hộ mà ông Obama thể hiện với phong trào Anh em Hồi giáo của Ai Cập, vốn bị đặt ngoài vòng pháp luật ở một số quốc gia Ả Rập.

Al Ibrahim nói, sự trở lại của hướng đi đối ngoại nói trên dưới thời Biden có thể gây ra "nhiều vấn đề ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh".

Tiến gần đến Israel

Ngoài các vấn đề trên, chuyên gia Al Ibrahim tin rằng sự lên ngôi của ông Biden sẽ làm đình trệ tiến trình bình thường hóa của Vùng Vịnh với Israel.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang chuẩn bị đưa ra một thỏa thuận lịch sử với Israel vào cuối tháng và nước láng giềng Bahrain dự kiến ​​sẽ đi theo, với các báo cáo cho thấy, nước này sẽ thông báo thiết lập quan hệ chính thức với nhà nước Do Thái trong những tuần tới.

Tuy nhiên, chuyên gia Al Ibrahim phân tích mặc dù quá trình đó là không thể ngăn cản, nhưng nó sẽ bị dừng lại cho đến khi xác định rõ "ai là người phụ trách mới trong Nhà Trắng".

"Nếu ông Trump thắng, tôi hy vọng tiến trình hòa bình sẽ tiếp tục. Các quốc gia vùng Vịnh đã nhận ra rằng chúng tôi có thể cùng tồn tại với Israel, đặc biệt là khi chúng tôi có một mối đe dọa chung - đó là Iran".

Theo chuyên gia Al Ibrahim, đến ngày bầu cử, công chúng Mỹ sẽ xác định ai là người đảm nhận công việc hàng đầu của nước Mỹ và mặc dù các cuộc thăm dò dự đoán về sự tàn lụi và ảm đạm cho Trump, ông vẫn tỏ ra lạc quan về việc tổng thống Mỹ hiện tại sẽ nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.

"Tổng thống Trump rất mạnh về vấn đề an ninh và ông ấy hiểu điều gì tốt cho nền kinh tế của đất nước. Ngày càng có nhiều người Mỹ nhận ra điều này. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu ông ấy thắng cuộc đua đó", chuyên gia người Saudi kết luận.