Thế giới

Cuộc đua năng lượng xanh của hai tỷ phú giàu nhất châu Á

Cuộc đua trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa hai ông trùm công nghiệp Ấn Độ đang nóng dần lên, hứa hẹn tương lai xanh hơn cho quốc gia tỷ dân.

Ấn Độ, mặc dù là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn trên thế giới, vẫn chưa công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ chốt của nước này đang đi đầu với kế hoạch xây dựng một ngành công nghiệp khử carbon với vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD.

Tập đoàn Adani hôm 21/9 cho biết sẽ đầu tư 20 tỷ USD trong 10 năm vào năng lượng tái tạo.

Adani Group là tập đoàn công nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, từ khai thác, kinh doanh cảng biển đến sản xuất điện, được điều hành bởi người giàu thứ hai ở châu Á Gautam Adani.

Trước đó, hồi tháng 6, tỷ phú Mukesh Ambani - người giàu nhất châu Á, ông chủ tập đoàn lọc dầu và hóa dầu khổng lồ Reliance Industries, cho biết sẽ chi 10 tỷ USD cho năng lượng xanh trong vòng 3 năm.

Chỉ còn vài tuần nữa là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland.

Và Ấn Độ đang chịu áp lực từ các nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tỷ phú Gautam Adani (trái), Chủ tịch Tập đoàn Adani và tỷ phú Mukesh Ambani (phải), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Reliance Industries. Ảnh Times Now

Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị của nước này đã xem xét đặt ra mục tiêu trung lập carbon, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã lập luận rằng, Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển, nơi mức tiêu thụ điện bình quân đầu người thấp hơn một nửa mức trung bình thế giới, nước này cần năng lượng, và các nước phát triển phải gánh vác gánh nặng cắt giảm lượng phát thải.

Động cơ đằng sau là gì?

Mặc dù Ấn Độ không đưa ra mục tiêu chính thức về phát thải ròng bằng 0, nhưng chưa chắc hai tỷ phú Ambani và Adani sẽ phải thực hiện những kế hoạch họ đã đặt ra mà không có sự hỗ trợ của Chính phủ nước này, theo Bloomberg.

Và nguồn vốn tư nhân từ các tài phiệt có thể thúc đẩy Ấn Độ tiến nhanh hơn đến mục tiêu một quốc gia xanh hơn, đồng thời giúp thỏa mãn “cơn khát” điện đang gia tăng khi nền kinh tế của nước này đạt mức tăng trưởng hai con số.

“Dòng vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư lớn sẽ tạo ra một hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ và khuyến khích nhiều người tham gia phong trào này”, Debasish Mishra, một đối tác tại Mumbai của Deloitte Touche Tohmatsu (Anh), cho biết.

“Điều đó sẽ làm cho câu chuyện về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Ấn Độ trở nên thực tế hơn nhiều”.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang thực hiện các bước hướng tới năng lượng xanh hơn với kế hoạch tăng gấp 4 lần công suất điện từ năng lượng tái tạo lên 450 GW vào cuối thập kỷ này.

Mục tiêu này đòi hỏi gần 650 tỷ USD đầu tư vào ngành điện, theo BloombergNEF.

Cả 2 công ty của 2 tỷ phú đều đang đấu thầu giành các ưu đãi của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời trong nước.

"Mục tiêu năng lượng tái tạo 450GW được dự đoán là do nhu cầu điện năng của Ấn Độ tăng mạnh trong 8-10 năm tới", Gagan Sidhu, Giám đốc Trung tâm Tài chính Năng lượng tại tổ chức nghiên cứu CEEW có trụ sở tại New Delhi, cho biết.

Công suất điện từ năng lượng tái tạo của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần mức hiện tại vào cuối thập kỷ này. Ảnh: Smart Energy International

Mục tiêu đó dự kiến sẽ được thỏa mãn bởi hydro xanh, và có lẽ các công ty như Adani và Reliance đã nhận ra rằng đã đến lúc phải hành động, Sidhu cho biết.

Minh Đức