Tiêu điểm thế giới

"Cuộc đấu trí" S-400 sang chương cuối: Mỹ rập rình "công phá", Nga-Thổ sẵn sàng "đỡ đòn"?

Việc chuyển giao S-400 dường như đã ngã ngũ. Vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây là chuẩn bị một cách tốt nhất trước đòn trả đũa từ Mỹ.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ có thể sẽ kiểm soát được một phần tình hình.

Cơ hội cuối cùng để Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tránh được cuộc khủng hoảng xoay quanh thương vụ mua S-400 của Nga là trong cuộc gặp giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ đây cơ hội đó đã đi qua.

Cuộc họp khi đó đã làm rõ quan điểm, bất kể phía Mỹ nói gì, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn nhận các hệ thống do Nga sản xuất. Lô hàng S-400 đầu tiên sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 7 và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chuẩn bị tinh thần để đón nhận các lệnh trừng phạt tiềm năng của Mỹ, các nguồn tin an ninh nói với Al-Monitor.

Các nguồn tin an ninh cho biết, lô hàng đầu tiên sẽ bao gồm 9 xe mang phóng tự hành (TEL), radar giám sát tầm xa, radar kiểm soát hỏa lực, một trung tâm chỉ huy điều khiển và hệ thống radar kiểm soát hỏa lực bổ sung. Đây sẽ là thành phần đầu tiên của hai tiểu đoàn S-400 sẽ được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Một nhóm kỹ thuật viên của Nga sẽ nhận lô hàng ở Ankara, địa điểm triển khai dự kiến. Theo nguồn rò rỉ từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, một đại tá không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được bổ nhiệm làm chỉ huy đơn vị S-400. Bài viết cũng tiết lộ địa điểm sẽ đặt hệ thống phòng không mua từ Nga.

Theo đó, S-400 sẽ được triển khai tại căn cứ quân sự Akinci (tên mới là Murted) ở thị trấn Kahramankazan thuộc tỉnh Ankara, một nguồn tin an ninh giấu tên nói với Al-Monitor. Căn cứ này phù hợp cho việc hạ cánh của các máy bay chở hàng từ Nga khi thực hiện quá trình giao hàng.

Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho biết, Ankara sẽ không vội vàng thiết lập S-400 và đưa vào hoạt động ngay lập tức.

“Chúng tôi hy vọng S-400 sẽ triển khai trong năm nay”, Dem Demir, chủ tịch tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, nói với truyền thông ngày 4/7. Nói cách khác, Ankara đang cố gắng tránh leo thang thêm với Washington về vấn đề này.

Một vấn đề khác cũng khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Ai sẽ chỉ huy S-400 - quân đội và không quân Thổ Nhĩ Kỳ hay một đơn vị chỉ huy riêng biệt?

Một số quan điểm ở Ankara lập luận rằng cơ quan tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải quân đội nên kiểm soát S-400. Dựa trên những lo ngại từ cuộc đảo chính hồi năm 2016, có ý kiến cho rằng cơ quan tình báo sẽ là lựa chọn an toàn hơn.

Tuy nhiên, các kế hoạch ban đầu chỉ ra rằng S-400 sẽ nằm trong cấu trúc chỉ huy truyền thống của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 và kế hoạch triển khai hệ thống ở Ankara, đã dẫn đến suy đoán về việc liệu Tổng thống Erdogan có mua hệ thống để bảo vệ “cung điện” của chính mình hay không. Tuy nhiên, nếu để quân đội kiểm soát, những suy đoán này sẽ được xóa bỏ.

Thương vụ S-400 dường như sẽ không còn có thể đảo ngược.

Ở thời điểm hiện tại, câu hỏi sẽ không còn là việc Thổ Nhĩ Kỳ có cân nhắc hủy thỏa thuận S-400 hay không mà là điều gì sẽ xảy ra khi việc giao hàng thực hiện xong. Có phải Washington sẽ áp lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua vũ khí tối tân từ Nga?

Cuộc tranh cãi này đã diễn ra sau khi hai nhà lãnh đạo Trump và Erdogan gặp nhau ở Osaka và chia rẽ thành hai luồng dư luận ở Thổ Nhĩ Kỳ. Luồng dư luận đầu tiên, bao gồm cả giới thân chính phủ, tin rằng những lời lẽ tích cực của Tổng thống Trump ở Osaka dường như chỉ là sự miễn cưỡng.

Tuy nhiên, luồng dư luận thứ hai tin rằng cuộc gặp sẽ kiểm soát một phần thiệt hại để cứu mối quan hệ song phương một khi các lệnh trừng phạt được thực thi.

Theo thông tin mà Al-Monitor có được, Thổ Nhĩ Kỳ đang sẵn sàng chờ đón các biện pháp trừng phạt và chuẩn bị cho các tác động có thể. Tuy nhiên, Ankara kỳ vọng những biện pháp trừng phạt này sẽ không có quyết định loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.

Cùng với đó, các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến các dự án hợp tác quốc phòng khác giữa hai nước, bao gồm nâng cấp F-16, máy bay không người lái và mua sắm phụ kiện.

Vì Ankara có kế hoạch lắp đặt S-400 cuối năm nay, nên cuộc khủng hoảng có thể được trì hoãn một thời gian. Tuy nhiên, Ankara có thể đang hy vọng một cách không thực tế.

Một số thành viên của Quốc hội Mỹ đang thể hiện sự linh hoạt về thời gian, nhưng họ chắc chắn rằng các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng.

Một khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, xu hướng suy yếu trong quan hệ song phương có thể ảnh hưởng đến các dự án hợp tác đang diễn ra.

Người Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ các máy bay chở hàng AN-124 của Nga sẽ đến Ankara, đặc biệt là tại căn cứ Akinci. Hai chiếc máy bay Nga này có thể sẽ vận chuyển hàng hóa, phương tiện, thiết bị và vật tư của hệ thống S-400 đầu tiên - một động thái lịch sử sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khối an ninh phương Tây trong nhiều năm tới.