Thế giới

Cuộc chiến pháp lý chống độc quyền giữa EU và "gã khổng lồ" Google

Mặc dù hình phạt là những khoản tiền lớn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Google có thể dễ dàng chi trả và khoản tiền phạt không có tác dụng răn đe nhiều. 

Vào thứ Hai 27/9, Google đã kháng cáo án phạt 5,15 tỷ USD năm 2018 về chống độc quyền của EU tại Tòa án Công lý châu Âu (CJEU).

Số tiền phạt kỷ lục

Đó là một trong 3 hình phạt cho hành vi hạn chế cạnh tranh mà Ủy ban liên tiếp đánh vào Google, bao gồm: lần đầu là khoản phạt 2,7 tỷ USD năm 2017, rồi đến khoản phạt 5,15 tỷ USD năm 2018 và 1,7 tỷ USD năm 2019. Công ty Google đã kháng cáo cả ba. 

Được biết 5,15 tỷ USD là khoản phạt chống độc quyền lớn nhất mà cơ quan châu Âu từng đưa ra đối với một công ty. Mặc dù các hình phạt là những khoản tiền khổng lồ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Google có thể dễ dàng chi trả và khoản tiền phạt không có tác dụng răn đe nhiều. Bởi doanh thu 4 năm liên tiếp gần đây của Google đều đạt trị giá hơn trăm tỷ, trong đó nguồn thu phần lớn đến từ hoạt động cung cấp quảng cáo trực tuyến. Theo bà Maurice Stucke, giáo sư tại Đại học Tennessee đồng thời là cựu luật sư Bộ Tư pháp Mỹ, nhận định "Khoản tiền phạt vẫn còn tương đối nhỏ với một công ty quy mô như Google". 

Các kỷ lục khác về khoản phạt chống độc quyền mà EU từng đưa ra còn có Intel (1,3 tỷ USD), Qualcomm (1,2 tỷ USD) hay Microsoft (0,6 tỷ USD).

Nguyên nhân trừng phạt

Cơ quan giám sát cạnh tranh EU đưa ra hình phạt đối với Google vì cho rằng công ty đang lạm dụng vị thế của hệ điều hành Android để “đè bẹp” các đối thủ và giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng. Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định Google đã tìm cách khiến các nhà sản xuất điện thoại phải cài sẵn trình duyệt Chrome và Google Search thì mới được quyền truy cập kho ứng dụng Play Store. Google cũng trả thêm tiền để ứng dụng Google Search được cài đặt trên điện thoại Android thay vì sử dụng của hãng khác. Ngoài ra, Google còn cấm phát hành các mẫu điện thoại sử dụng các phiên bản Android không được chấp thuận.

Google ngày càng lớn mạnh từ lĩnh vực quảng cáo khi người dùng tìm kiếm hay xem video, nhờ phần lớn vai trò của công ty trên các thiết bị Android. Theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, Google chiếm khoảng 33% thị phần quảng cáo di động trên thế giới, trong khi đó Android chiếm tới 77% thị phần hệ điều hành di động toàn cầu năm 2018 - năm của EU đưa ra lệnh trừng phạt. Android hiện là hệ điều hành di động chiếm thị phần lớn nhất tại châu Âu, lên tới khoảng 80%, vượt xa iOS của Apple. 

Về phần mình, “gã khổng lồ” công nghệ không bằng lòng với những cáo buộc độc quyền từ EU. Trong một bài viết đăng ngày 18/7/2018 với tiêu đề "Android đã tạo ra nhiều lựa chọn hơn", CEO Google Sundar Pichai lập luận rằng phán quyết của cơ quan chức năng đã bỏ qua thực tế rằng điện thoại Android đang phải cạnh tranh với iOS và cũng không nhắc đến việc có bao nhiêu lựa chọn mà Android cung cấp cho hàng nghìn nhà sản xuất điện thoại cũng như nhà mạng, những bên phát triển và bán điện thoại Android.

Trong phiên điều trần kéo dài 5 ngày tại Tòa án Công lý châu Âu bắt đầu từ ngày 27/9/2021, Công ty Google cho rằng "Android đã tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho tất cả mọi người, chứ không phải ít hơn, và hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp thành công ở châu  Âu và trên toàn thế giới”.

Quan điểm của Google cho rằng Android là mã nguồn mở và miễn phí, vì thế các nhà sản xuất điện thoại hoặc người tiêu dùng có thể tự quyết định ứng dụng nào sẽ cài đặt trên thiết bị của họ. Google lập luận rằng chỉ vì các ứng dụng của họ được cài đặt sẵn trên điện thoại Android, điều đó không đủ để phán quyết là người dùng bị hạn chế việc tải xuống các dịch vụ của đối thủ khác.

Ủy ban EU cũng đã đề cập tới vấn đề Google thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ không dây và nhà sản xuất điện thoại để cài đặt trước ứng dụng Search độc quyền. Nhưng Google cho biết những thương vụ đó chỉ chiếm chưa đến 5% thị trường, nên không thể cáo buộc sẽ làm tổn thương các đối thủ.

Ông Sundar Pichai, CEO của Google. Ảnh: TIME

Vào tháng 12/2020, Google đã bị 35 tiểu bang Mỹ đệ đơn cáo buộc hành vi độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh tìm kiếm. Vào ngày 7/7/2021, một nhóm gồm 37 luật sư Mỹ cũng đệ đơn kiện công ty này lạm dụng sức mạnh thị trường để kìm hãm đối thủ cạnh tranh và cho rằng Play Store độc quyền. Như vậy, từ năm 2017, Google đã liên tiếp vướng vào các vụ kiện chống độc quyền và đang rơi vào "thế gọng kìm" pháp lý từ cả hai bên bờ Đại Tây Dương. 

Phạm Thu Thanh (theo NPR, REUTERS)