Sự kiện

Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 - Bài 3

Tại khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, cuộc chiến của bác sĩ với “tử thần” vô cùng cân não, bởi tính mạng của bệnh nhân là quan trọng nhất.

NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG NƠI TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID-19

LTS: Công việc căng thẳng, áp lực, nhiều đêm thức trắng và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vô cùng cao, tuy nhiên những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng thầm gánh trên vai sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Người Đưa Tin trân trọng giới thiệu tới quý vị độc giả loạt bài về những y bác sĩ kiên cường trên mặt trận chống dịch này...

Bài 3: Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19

Xem thêm: Bài 2: Bác sĩ trẻ ngày điều trị F0, tối đồng hành hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại

Giành giật sự sống với “tử thần”

Sau hơn 8 giờ làm việc liên tục, bác sĩ Bùi Tiến Hoàn, Phó trưởng khoa Vi rút Ký sinh trùng, Trung tâm bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An bước ra khỏi khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với chiếc áo trắng ướt sũng, khuôn mặt hốc hác in hằn khẩu trang do đeo quá lâu.

Nhìn thân hình gầy gò của bác sĩ Hoàn, chẳng ai nghĩ rằng chỉ cách đây 1 năm, anh là một bác sĩ trẻ, đẹp trai, năng động, ham mê thể thao... Từ khi dịch về Nghệ An, bác sĩ Hoàn hầu như ăn, ngủ tại khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của bệnh viện, giờ là Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 điều trị Covid-19 Nghệ An.

Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn ướt đẫm mồ hôi sau 8 tiếng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Anh đã tự nguyện dấn thân, cứ 3 tháng mới được về nhà mấy ngày, chấp nhận sự "tàn tạ" về mặt ngoại hình, tất cả chỉ vì nhiệm vụ cao cả chăm sóc sức khỏe, cứu sống tính mạng bệnh nhân.

“13 năm trong nghề, trực đêm giao thừa nhiều, trực mùng 1 Tết cũng không ít. Nhưng đây là năm đầu tiên, lần đầu tiên tôi ăn trọn cái Tết, ăn cả rằm tháng Chạp, ăn luôn cả rằm tháng Giêng tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Chỉ mong sao vắc-xin được phủ toàn diện, Việt Nam sớm kiểm soát được dịch Covid-19 để tất cả mọi người sớm trở lại guồng quay cuộc sống như nó đã vốn có”, bác sĩ Hoàn tâm sự.

Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An được kích hoạt hoạt động theo mô hình tầng 3 của tháp điều trị Covid-19, thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Quy mô của trung tâm hiện tại có 100 giường bệnh với trên 100 cán bộ y tế cùng nhiều trang thiết bị hiện đại. Cũng vì vậy, bệnh nhân ở tại đây đều là các trường hợp vô cùng nặng, nguy kịch và có nhiều bệnh nền.

Tiến sĩ Quế Anh Trâm, Phó giám đốc bệnh Nhiệt đới và Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An cho biết, số lượng giường bệnh có hạn nhưng cho đến thời điểm hiện nay, trung tâm đang bị quá tải, với trên 230 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Thậm chí, số lượng bệnh nhân đang có xu hướng tăng thêm, bởi mỗi ngày Nghệ An ghi nhận trên 2.000 ca mắc.

Cũng vì vậy, tại trung tâm, 2 bệnh nhân, thậm chí 3 bệnh nhân đang nằm trên cùng một giường. Bệnh nhân phải nằm cả ngoài hành lang. Hệ thống ôxy không đáp ứng đủ, các bác sĩ phải dùng cả bình oxy trực tiếp cho bệnh nhân thở.

“Lượng bệnh nhân đông, tất cả khi vào đây đều trong tình trạng nguy kịch. Vì vậy, để cứu sống các bệnh nhân, các cán bộ y tế của trung tâm không một phút ngơi tay. Họ luôn ở trong trạng thái động: Thăm khám, tiêm chuyền, cho bệnh nhân thở máy, phẫu thuật… Vất vả, gian nan không thể nào kể hết”, bác sĩ Trâm nói.

Bệnh nhân này chưa xử lý xong thì bệnh nhân khác cần phải can thiệp. Bởi chỉ một phút giây lơi là thì tính mạng của bệnh nhân đã trở nên nguy hiểm. Mỗi ngày, các cán bộ y tế ở đây phải làm việc 2 ca tương ứng 12 giờ. Vì vậy, khi trở ra, ai nấy đều ướt sũng như mới xông hơi về.

Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An phối hợp với lực lượng Phòng hóa tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ bệnh viện và khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cứu được một người phúc đẳng hà sa...

Phó giám đốc bệnh Nhiệt đới và Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An cho biết, từ ngày 14/6/2021 đến nay, trung tâm bệnh Nhiệt đới (nay là trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An) đã điều trị cho trên 3.000 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh.

Điều đáng mừng nhất là nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng như khó qua khỏi đã được cứu sống, hồi phục sức khỏe. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại tỉnh Nghệ An thấp hơn nhiều so với trung bình chung của Việt Nam và Thế giới.

Cụ bà 105 tuổi  được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.

Một trong những bệnh nhân khó quên nhất chính là cụ H.T.N. (105 tuổi) – là bệnh nhân nhiễm Covid-19 cao tuổi nhất của bệnh viện đã được điều trị khỏi. Cụ được xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và được điều trị tại trung tâm từ ngày 27/9/2021 trong tình trạng biểu hiện bệnh khó thở, giảm oxy máu với tiền sử bệnh nền viêm phế quản mạn tính, suy tim, thể trạng già yếu.

Tiên lượng đây là một ca bệnh có thể tiến triển nặng, đặc biệt là vấn đề tuổi tác, các bác sĩ đã phải tích cực theo dõi sát, điều trị và chăm sóc. Mọi vấn đề về điều trị, sử dụng thuốc theo phác đồ và đặc biệt động viên tinh thần bệnh nhân và người nhà đều được đội ngũ nhân viên tổ Covid-19 tính toán kỹ lưỡng, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng kèm theo hội chẩn xin ý kiến chỉ đạo từ Giám đốc Bệnh viện và hội đồng chuyên môn.

Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 8 ngày điều trị, cụ H.T.N đã được ngừng thở oxy, tự thở khí phòng, ngồi dậy và tập đi lại. Trong chiều 11/10, sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân được xác định khỏi bệnh và đủ điều kiện xuất viện.

Các bệnh nhân lần lượt ra viện là niềm vui dành cho bác sĩ. Ảnh: Cường Nguyễn.

“Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 còn dài. Việc chữa khỏi cho nhiều hơn nữa những bệnh nhân cao tuổi, giành lại sự sống cho những người bệnh “yếu thế” hơn trong cuộc chiến này là niềm vui, niềm hạnh phúc giúp chúng tôi thêm động lực”, bác sĩ Bùi Tiến Hoàn, Phó trưởng khoa Vi rút Ký sinh trùng, Trung tâm bệnh Nhiệt đới chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Quế Anh Trâm, để đạt được những kết quả điều trị đó là nhờ sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh không biết mệt mỏi của bác sĩ. Tại Trung tâm, có rất nhiều tấm gương về sự tận tâm, tận lực vì bệnh nhân như bác sĩ Kiều Văn Dương (Khoa Nội Thần kinh), Ngô Văn Thiết (Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc), Phan Thanh Sơn (Khoa Sản)... Hay như bác sĩ Lê Văn Tài đang làm việc tại khu Âm (không điều trị cho bệnh nhân Covid-19) đã nằng nặc vác va ly xin vào điều trị ở khu dương để san sẻ, gánh vác mệt nhọc cùng đồng nghiệp mình.

Họ, những chiến sĩ thầm lặng, xứng đáng được tôn vinh không chỉ trong ngày 27/2.

Trước những đóng góp của các lực lượng tuyến đầu, ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu sở Y tế; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia y tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế dự phòng, các trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.