Gia đình

Cuộc "cách mạng" từ trong ý thức thoát nghèo bền vững

Ðơn xin thoát nghèo là minh chứng cho đời sống của người dân đang được nâng lên đáng kể; tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước vốn tồn tại từ lâu đang được xóa bỏ.

 

“Cán bộ phải sâu sát, nắm tâm tư nguyện vọng của người dân”

Đó là cách làm của huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trên mặt trận công tác xóa đói giảm nghèo. Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định năm nào cũng có người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và điều thành công nhất chính là việc phần lớn các hộ gia đình viết đơn đều thoát nghèo bền vững.

Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông.

Trước nay, tư tưởng chung của mọi người nghèo là không muốn thoát nghèo, không thuộc diện hộ nghèo nhưng “tình nguyện” xin làm hộ nghèo để được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Đây là điều có thể hiểu được khi trung bình một xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng từ 15 - 20 loại chính sách mỗi năm. Thậm chí không ít trường hợp cán bộ xã cũng muốn đưa gia đình và người thân của mình vào hộ nghèo để hưởng chính sách đó.

“Chúng tôi biết rằng việc thay đổi tư duy và nhận thức của người dân không phải là một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình lâu dài và vô cùng khó khăn. Để đạt được kết quả như hiện nay, huyện Con Cuông đã trải qua gần 10 năm bền bỉ cùng nhau, có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị”, ông Sơn cho hay.

Lá đơn xin thoát nghèo của một Đảng viên.

Đặc biệt, Nghị quyết về việc khắc phục tư tưởng bảo thủ trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại trong cán bộ đảng viên và nhân dân, được Ban Chấp hành Huyện ủy Con Cuông ban hành vào tháng 7/2004 là một trong những bước ngoặt của chương trình xóa đói giảm nghèo.

Đầu tiên, cán bộ đảng viên phải là người gương mẫu xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, bản, từ đó vận động, giúp đỡ nhân dân cùng thoát nghèo. Sau khi rà soát các đối tượng hộ nghèo, chính quyền các cấp sẽ giao trách nhiệm một cách cụ thể rõ ràng cho các tổ chức đoàn thể đảm bảo giúp đỡ từng hội viên, làm tốt công tác tuyên truyền giúp hộ nghèo có ý chí vươn lên. Việc nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo để có sự hỗ trợ thiết thực đã kéo các gia đình này thoát nghèo thực sự.

Rất nhiều hộ nghèo viết đơn đã thoát nghèo bền vững.

“Người dân vùng cao vốn rất trọng chữ tín, việc họ cam kết thoát nghèo thì chắc chắn sẽ cố gắng đến cùng và công việc của những người làm lãnh đạo là chỉ cho họ con đường đúng. Từ sự đồng thuận cao của người dân, mong muốn thay đổi cuộc sống hiện nay thì việc thoát nghèo bền vững là điều có thể làm được”, ông Sơn nói.

Theo thống kê thì từ 2016 – 2018, toàn huyện Con Cuông đã có 383 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Tỷ lệ nghèo đói hằng năm đều đặn giảm xuống 4 đến 5%, so với mặt bằng chung của tỉnh Nghệ An thì đây đúng là số liệu đáng mừng.

“Muốn giảm nghèo, phải tạo công ăn việc làm”

Ông Phan Văn Giáp, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An thừa nhận, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Vì vậy, để công tác xóa đói giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, huyện Tân Kỳ chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân.

Ông Phan Văn Giáp (ở giữa) tham quan cơ sở sản xuất gạch ngói trên địa bàn huyện Tân Kỳ

“Chúng tôi thực hiện việc giảm nghèo bền vững bằng 3 biện pháp. Thứ nhất là sẽ tổ chức các hội chợ việc làm tạo cho người lao động tìm được việc làm phù hợp. Thứ hai là phát triển các mô hình kinh tế để các hộ gia đình tham gia làm ăn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo gắn với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là đưa tiêu chí xóa nghèo vào công tác thi đua và nhiệm vụ thường xuyên của từng địa phương và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở”, ông Giáp cho hay.

Theo đó, huyện Tân Kỳ đã tổ chức nhiều điểm tư vấn giảm nghèo, xuất khẩu lao động, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Kết quả, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 2.450 lao động, trong đó xuất khẩu lao động sang các nước là 1.510 người.

Gia trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao của Hội viên HCCB xã Nghĩa Hợp.

Ngoài ra, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động. Với cách làm này, cuối năm 2018, Tân Kỳ có 2.429 hộ thoát nghèo, giảm 3,63%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6,48%.

“Cuối cùng, chúng tôi đưa việc xóa đói giảm nghèo vào việc chấm điểm cuối năm, một phần để đánh giá khách quan nhất những việc làm được, nhưng quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy các cấp cơ sở theo dõi sát sao những trường hợp hộ nghèo trên địa bàn để có biện pháp giúp đỡ phù hợp”, ông Giáp nói.

Mía là loài cây mũi nhọn phát triển kinh tế của người dân Tân Kỳ.

Những việc làm trên đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong năm 2018, có 60 lá đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của các hộ dân. Đây là tín hiệu vui để quê hương Tân Kỳ ngày càng khởi sắc, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhân lên nhiều hộ giàu hộ khá, tạo đà vững chắc để Tân Kỳ đi lên trở thành huyện khá ở miền Tây Nghệ An.