Cùng “góp” để quy định không “chết yểu”

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa công bố nhằm thay thế cho Nghị định 138 đã ban hành cách đây 5 năm.

Đen: Phụ huynh hết kêu ca nhé. Sắp tới sẽ chấm dứt vấn nạn dạy thêm.

Đá: Ôi dào, bao nhiều lần “nghiêm” rồi, đâu hoàn đấy.

Đen: Lần này quyết liệt hơn. Dự sẽ xây dựng thành Nghị định luôn.

Đá: Đã ban hành chưa?

Đen: Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rồi mới quyết.

Đá: Nhưng tôi băn khoăn…

Đen: Tưởng ông ủng hộ cả hai tay?

Đá: Muốn “ủng” hay không phải biết nội dung cụ thể đã chớ.

Đen: Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phạt từ 1 - 50 triệu, tùy hành vi vi phạm.

Đá: Tôi quan tâm đến dạy thêm kia.

Đen: Phạt 5-6 triệu đồng nếu dạy thêm cho học sinh tiểu học.

Đá: Còn các cấp học khác thì sao?

Đen: Rất nhiều nội dung, chi tiết. Trong đó quy định, phạt 8-10 triệu hành vi ép buộc học thêm…

Đá: Nói thật, “cấm” thế có cực đoan không?

Đen: Gì cũng nói được. Không phải “cấm” dạy thêm, chỉ “cấm ép học thêm”.

Đá: Nghĩa là nếu học sinh có nhu cầu học, vẫn dạy mà không vi phạm.

Đen: Đúng. Nhưng sẽ phạt từ 10 -15 triệu dạy thêm khi chưa được cấp phép...

Đá: Như vậy là làm chặt khâu quản lý, tránh chuyện học thêm kiểu đại trà, phổ cập.

Đen: Đang lấy ý kiến rộng rãi. Ông góp thật trách nhiệm đi để văn bản khi ban ra phù hợp với thực tế.

Đá: Ngày trước, chúng mình nhờ học thêm mà đỗ đạt. Lớp trưởng phải năn nỉ mãi thầy mới dạy cho mấy đứa hổng kiến thức đấy.

Đen: Làm gì có chuyện dạy trước hay cắt giảm nội dung chương trình chính khoá để dạy thêm.

Đá: Đây là vấn đề tế nhị. Nếu “cứng” quá, có khi tác dụng ngược.

Đen: Ông sợ vị trí nghề giáo bị ảnh hưởng, truyền thống tôn sư trọng đạo bị bỏ qua?

Đá: Đúng. Bởi đây là chuyện xa lạ với lịch sử giáo dục nước mình.

Đen: Rồi ai sẽ là người có quyền thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục?

Đá: Vậy mới cần ý kiến nhiều chiều. Tôi sẽ nhiệt tình góp ý.

Đen: Để văn bản thực sự có tác dụng trong đời sống, không “chết yểu”!

Đ.Đ