Đời sống

Cúng Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 trong nhà hay ngoài trời trước?

Theo phong tục, cúng Giao thừa thường phải làm 2 lễ, một trong nhà, một ngoài trời. Tuy nhiên nhiều người băn khoăn cúng trong nhà hay ngoài trời trước mới đúng?

Cúng Giao thừa là nghi lễ được thực hiện vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Đây là lúc trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi, khí xuân tràn ngập khắp nơi, vạn vật thanh tân sức sống. Cũng là thời khắc kết thúc năm cũ và khởi đầu cho mười hai tháng sắp tới. Vì thế, dù có đi làm ăn ở đâu xa thì đến dịp này ai nấy cũng cố gắng trở về đoàn tụ gia đình, chào đón năm mới.

Trong nghi lễ cúng Giao thừa, ai cũng mong cầu cho năm mới được bình an, thông thuận, làm ăn phát triển, sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi, công thành danh toại, hạnh phúc lứa đôi, con cái ngoan ngoãn.

Theo đúng phong tục thì lễ cúng Giao thừa phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời.

Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng Giao thừa ngoài trời phải làm trước nhằm "tống cựu nghênh tân" tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Sau đó mới đến lễ trong nhà.

Lễ cúng Giao thừa ngoài trời

Đối với việc cúng Giao thừa ngoài trời có ý nghĩa sâu sắc, bởi người xưa tin rằng mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian. Hết năm thì vị thần năm cũ bàn giao công việc cho vị thần năm mới. Cho nên phải cúng Giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới.

Thông thường lễ cúng Giao thừa ngoài trời sẽ có xôi gà và hoa quả, riêng lễ cúng này không cần dùng bát hương mà có thể cắm hương vào các đồ lễ cúng hoặc một bát gạo.

Gia chủ thường chuẩn bị mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời gồm những lễ vật sau:

- Mâm ngũ quả

- Nhang (nên là 3 cây nhang to)

- Hoa

- Đèn/nến

- Trầu cau

- Muối gạo

- Trà rượu

- Quần áo mũ nón thần linh

- Thủ lợn luộc

- Gà trống luộc

- Xôi

- Bánh chưng

Trong đó, gia chủ cần đặc biệt chú ý đến con gà trống luộc. Nên chọn gà trống mới bắt đầu tập gáy, chưa đạp mái, khỏe mạnh, mỏ vàng, mào cờ, chân gà màu vàng. Nếu không có điều kiện thì có thể chuẩn bị đơn giản, chỉ cần thể hiện lòng thành đối với các bậc thần linh, ông bà gia tiên.

Cũng tùy theo từng vùng miền mà có các loại đồ cúng khác nhau:

-Miền Bắc: Mâm cỗ thường tính theo bát, đĩa gồm 4 bát, 4 đĩa, nếu cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Các bát này thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Đĩa thường là xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối. Có nhà cũng cúng gà, gà thường là thịt gà trống thiến.

- Miền Trung: Trên mâm cúng của người miền Trung thường có bánh chưng, bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, bát măng khô ninh, miến Huế, cá chiên hay chả ram.

-Miền Nam: Mâm cúng thường đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà… Nhưng nếu là mâm mặn đầy đủ sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh chưng, chè…

Tất cả lễ vật được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Mâm lễ cúng Giao thừa phải chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính.

Vào đúng thời điểm Giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước án. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

Lễ cúng Giao thừa trong nhà

Việc cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên gia đình mình, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, gặp nhiều điều tốt lành.

Lễ vật dùng để cúng Giao thừa trong nhà gồm: Ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh giầy, bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon.

Ảnh minh họa.

Sau khi bày biện lễ đầy đủ, gia chủ đốt đèn, nến, thắp hương và thành kính cầu khấn. Khi cúng, các thành viên trong gia đình cùng đứng trang nghiêm trước bàn thờ, chắp tay và khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới được an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.

Lưu ý, nhiều gia đình ở chung cư, do không gian chật hẹp không có diện tích dưới mặt đất nên việc cúng chỉ cần tập trung ở trong nhà mà không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu các gia đình cần cúng ngoài trời nên xuống dưới sân của nhà chung cư chứ không phải ở trên tầng.

Việc cúng ngoài trời cần có khoảng không gian có trời và có đất, do vậy lễ vật cần được đặt gần với mặt đất. Vì thế nếu cúng ở trên khoảng không tầng lầu chung cư thì không gian bày lễ cách nhau quá xa nên không thể gọi là cúng ngoài trời được.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo!

Minh Hoa (t/h)