Sức khỏe

Của nả đội nón ra đi cùng với dịch tả lợn châu Phi

Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, cả đàn lợn hàng chục con nhà ông Đạt đã mắc phải dịch tả lợn châu Phi. Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, quay về với 2 bàn tay trắng, ông Đạt quyết tâm làm lại từ đầu.

Đau đớn khi hàng chục con lợn nặng hàng tạ phải đem đi tiêu hủy

Tìm đến vùng nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), khắp đầu làng đến cuối xóm ở đâu cũng phủ trắng màu bột vôi, các chốt kiểm dịch được lập nên để kiểm soát dịch bệnh.

Các chốt kiểm dịch vùng ổ dịch ở đội 12, xã Chính Mỹ để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi.

Xã Chính Mỹ là địa phương đầu tiên ở TP.Hải Phòng có lợn bị mắc bệnh tả lợn châu Phi. Dừng tại một quán tạp hóa ven đường, PV Người Đưa Tin hỏi đường về hộ gia đình ông Vũ Văn Đạt (ở đội 12), hộ gia đình chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề nhất. Một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ từ trong quán nhìn ra: “Tôi Đạt đây, anh tìm đúng người rồi đấy, chờ tôi tý tôi dẫn anh về nhà”.

Nói rồi, ông Đạt nổ xe máy, tôi lẽo đẽo theo sau. Nhà ông Đạt ở gần cuối xóm, ngôi nhà cấp 4 đã xập xệ, rêu mốc. Mảnh đất đối diện ngôi nhà là khu chăn nuôi lợn của gia đình ông.

Dẫn tôi sang khu chuồng trại bỏ không, ông Đạt chua xót: “Mới cách đây vài ngày, cả đàn lợn hàng chục con còn khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Vậy mà loáng một cái, lợn chết hết, của nả đội nón ra đi, anh bảo tôi không buồn sao được”.

Ông Đạt đau xót khi đàn lợn hàng chục con phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi.

Sáng ngày 17/2, như thường lệ, ông Đạt cho lợn ăn, đến buổi chiều cùng ngày, ông hốt hoảng thấy một số con lợn bỏ ăn, nằm li bì, có biểu hiện nôn mửa. Mọi chuyện diễn biến rất nhanh, đến chiều ngày 18/2, những con lợn này bị chết, tổng cộng là 19 con. Ông Đạt thông báo cho chính quyền địa phương đồng thời chủ động biện pháp tiêu hủy số lợn này.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đây, đến ngày 22/2, mọi việc diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, lợn có biển hiện bị bệnh ngày càng nhiều, ông Đạt đã nhờ người báo cho chi cục Thú y TP.Hải Phòng để lấy mẫu xét nghiệm. Đến ngày 23/2, các đơn vị chức năng của TP.Hải Phòng, sở NN&PTNN, chi cục Thú y, huyện Thủy Nguyên đồng thời Thứ trưởng bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến đã có mặt tại khu chăn nuôi lợn của gia đình ông Đạt.

Khu chăn nuôi của gia đình ông Đạt, lợn bị "quét sạch" bởi dịch tả.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn lợn của nhà ông Đạt đã mắc phải bệnh dịch tả lợn châu Phi. 34 con lợn còn lại trong chuồng lập tức được gia đình phối hợp với lực lượng chức năng tiêu hủy an toàn, đào hố sâu, lấp đất rồi rắc vôi bột và trồng cây lên trên.

“Đó là tất cả cơ nghiệp của gia đình tôi. Số lợn phải tiêu hủy đều là lợn lái, lợn thịt và lợn giống, con lợn trọng lượng nặng nhất là 300kg, các con khác xấp xỉ trong khoảng 200 – 220kg, lợn giống và lợn thịt thì dao động trong khoảng 20 – 50 – 100kg/con.

Thiệt hại ban đầu tôi ước tính khoảng trên 200 triệu đồng. Có những con lợn lái lúc khỏe mạnh có người trả tôi 20 triệu đồng/con tôi còn chưa bán, đau xót quá…”, ông Đạt buồn rầu.

Để giảm thiểu thiệt hại cho hộ gia đình chăn nuôi, ông Đạt được trực tiếp Thứ trưởng Tiến quyết định sẽ hỗ trợ cho gia đình ông Đạt số lợn chết đã được kiểm đếm là 38.000đ/kg.

Không gục ngã trước căn bệnh hiểm nghèo

Vợ chồng ông Đạt có với nhau 3 người con gái, 2 con gái lớn đã xây dựng gia đình và ra ở riêng. Con gái út đang học lớp 8. Người vợ đang làm công nhân thời vụ cho một công ty trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Căn nhà cấp bốn xập xệ của gia đình ông Đạt.

Nhiều năm nay, gia đình ông Đạt được xếp vào diện cận nghèo, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ nát ông Đạt làm phương tiện đi lại.

Đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá.

Những năm gần đây, sức khỏe ông Đạt yếu dần, đi khám bác sĩ kết luận ông bị bệnh đông máu. Thỉnh thoảng ông Đạt vẫn bị đột quỵ do máu khó lưu thông. Không những vậy, cách đây vài năm, ông Đạt được chẩn đoán là có triệu chứng của bệnh máu trắng. Hàng tháng, tiền thuốc điều trị cho căn bệnh này mất hơn 2 triệu đồng.

“Bác sĩ nói vậy tôi vô cùng choáng váng, vào người khác không có nghị lực người ta sẽ buông xuôi chờ chết. Nhưng bản thân tôi không cho phép mình như vậy.

Tôi còn có gia đình, có vợ con, tôi phải lao động chân chính để lo kinh tế cho gia đình đồng thời làm gương cho con cái. Tôi có thể chết, nhưng không phải bây giờ”, ông Đạt chia sẻ.

Ông Đạt: Khi hết dịch tôi sẽ nuôi lợn trở lại để vực dậy kinh tế gia đình, làm chỗ dựa cho vợ con.

Sức khỏe không được như người bình thường, ông Đạt quyết định ở nhà để chăn nuôi lợn. Ban đầu, ông nuôi một vài con lợn nái, nuôi theo một quy trình khép kín, lợn lái đẻ ông để lại nuôi đến khi lớn thì bán thịt.

Năm 2014, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội, một số ngân hàng khác và vay vốn của người thân bạn bè để mở rộng sản xuất. Những tưởng sẽ đoạn tuyệt với cái nghèo nhưng khi chưa trả hết vốn vay thì đàn lợn lăn quay ra chết hết.

Khi được hỏi về tâm tư nguyện vọng, ông Đạt nói ông không cầu xin lòng thương hại của ai, vẫn sẽ đi lên từ đôi bàn tay trắng. Ông mong trong một thời gian nữa, cơ quan chức năng công bố hết dịch, ông sẽ tiếp tục vay vốn để nuôi lợn.

Ông tin tưởng: “Ngành nghề nào cũng vậy, cũng đều có rủi ro. Chăn nuôi lợn cũng thế, cũng có lúc rớt giá thảm hại nhưng tôi vẫn trụ vững. Mình gục ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó chú ạ!”

Ông Phạm Văn Hậu – Phó trưởng phòng NN&PTNN huyện Thủy Nguyên cho hay, cho đến thời điểm hiện tại, ngoài lợn mắc bệnh của gia đình ông Đạt, bà Nguyễn Thị Ngấn, đã có thêm 3 hộ gia đình chăn nuôi lợn nghi mắc phải bệnh tả lợn châu Phi đã được đem tiêu hủy. Đó là các hộ: bà Phạm Thị Chín, ông Trần Văn Phương và Vũ Văn Cảnh, đều thuộc đội 12, xã Chính Mỹ.

Vẫn theo ông Hậu, công tác kiểm soát dịch bệnh đang được các ban ngành địa phương tăng cường, ổ dịch ở xã Chính Mỹ cơ bản đã được khống chế, chưa phát sinh ổ dịch mới ở các địa phương khác trong huyện.

“Chúng tôi đã tiến hành khoanh vùng, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng ở khu vực các xã nằm trong vùng nguy hiểm và vùng đệm gồm xã: Quảng Thanh, Liên Khê, Kỳ Sơn và Kênh Giang. Khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là nguồn thuốc phun khử trùng có hạn, hiện tại đã cạn kiệt, chúng tôi đang xin Trung ương hỗ trợ nguồn thuốc”, ông Hậu thông tin thêm.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đinh Công Toản – Phó giám đốc sở NN&PTNN TP.Hải Phòng, ông Toản khẳng định trên toàn địa bàn thành phố, ngoài huyện Thủy Nguyên, các quận, huyện cũng chưa phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới. Công tác phòng trừ, kiểm soát dịch bệnh đang được tiến hành sát sao.