Giải khác

Cú sút-tê của Mitoma và đường dẫn đến khung thành từ truyện tranh

Cú sút-tê của Mitoma được lật đi, lật lại như truyện tranh và đưa Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha, vượt qua tuyển Đức, điều những tưởng cũng chỉ có trong truyện tranh.

Cú sút-tê của Mitoma

Khoảnh khắc quan trọng nhất, ấn tượng nhất, gây nhiều tranh cãi nhất vòng bảng World Cup 2022 chắc chắn là pha kiến tạo của Mitoma. Đường chuyền của cầu thủ chạy cánh đang khoác áo Brighton dẫn đến bàn thắng ấn định chiến thắng ngược dòng 2-1 đầy ngoạn mục của Nhật Bản trước Tây Ban Nha, gã khổng lồ của bóng đá thế giới. Đường chuyền ấy mở toang cánh cửa vào vòng 1/8 của đoàn quân Samurai Xanh đồng thời đẩy đội tuyển Đức, một gã khổng lồ khác xách va-li về nước trong cơn ê chề.

Kịch tính được nhân lên gấp nghìn lần bởi tranh cãi xung quanh việc trái bóng trước khi chạm chân Mitoma đã hết đường biên ngang hay chưa. Tuyệt đại đa số “bằng mắt thường” đồng quan điểm bóng đã lăn hết đường biên ngang. Tuy nhiên, bàn thắng vẫn được công nhận dựa trên công nghệ cảm biến. Để chứng minh sự hợp lệ của bàn thắng, FIFA đã công bố bức ảnh được chụp từ góc trên cao cho thấy còn một phần vài milimet của trái bóng vẫn nằm trong sân. Nhật Bản đi tiếp và Đức bị loại đúng nghĩa theo đường tơ kẽ tóc.

Không bình bán thêm về chuyện bàn thắng đúng luật hay chưa, hãy nói về pha xử lý của Mitoma. Để cứu, hay đúng hơn là “vớt” trái bóng từ ngoài đường biên, nỗ lực thôi là chưa đủ. Trái bóng không dưng nẩy đến người Tanaka. Hãy để ý kỹ thời điểm số 9 của Nhật Bản chuyền bóng. Người đồng đội Daizen Maeda đang nằm xoài chắn ngang đường dẫn đến khung thành sau pha lao người dứt điểm không thành. Bên trong khung gỗ, thủ thành Unai Simon đang lao về khép góc.

Nếu Mitoma căng ngang theo cách thông thường bằng cú quét chân vào tâm bóng, nhiều khả năng đường chuyền sẽ bị chặn lại bởi chính cơ thể của Maeda. Trái bóng cần nẩy lên vượt qua người đồng đội mang áo số 25. Một động tác chặt bóng (tác động lực vào phần dưới) lại mất nhiều thời gian vung chân hơn. Trong thời khắc như đã nói là đường tơ kẽ tóc ấy, chạm bóng càng nhanh càng tốt. Và lựa chọn của Tanaka là một cú sút-tê, kỹ thuật nhảy bi quen thuộc trong môn billard. Cụ thể, bằng tác động lực vừa đủ vào phần trên, trái bi sẽ bật lên như một con cóc để vượt qua chướng ngại vật phía trường. Kết quả là bóng nảy qua người Maeda và rơi đúng chỗ Tanaka lao xuống.

Cần nhấn mạnh, Mitoma vừa phải cứu bóng, vừa phải kiến tạo chỉ trong tích tắc. Thế nên pha xử lý ấy cho thấy cầu thủ này sở hữu kỹ năng xử lý bóng điệu nghệ lẫn khả năng phân tích tình huống và ra quyết định xuất sắc.

Đội tuyển đẳng cấp châu Âu tại châu Á

Mitoma là người hùng của đội tuyển Nhật Bản. Tuy nhiên, sẽ là khiên cưỡng nếu gọi anh là ngôi sao của đoàn quân Samurai Xanh, tương tự Son Heung Min ở đội tuyển láng giềng Hàn Quốc. Cho dù cũng đang chơi bóng tại Ngoại hạng Anh, nhưng cầu thủ chạy cánh 25 tuổi này “chỉ” khoác áo Brighton, một đội bóng tầm trung. 3/4 đội hình tuyển Nhật Bản tham dự World Cup 2022 ở trình độ “cỡ” Mitoma.

Ritsu Doan, tác giả bàn thắng đầu tiên và là người căng ngang để Mitoma cứu bóng hiện khoác áo Feiburg ở Bundesliga. Daizen Maeda, người vô tình nằm chắn ngang khung thành thì chơi cho Celtic, gã khổng lồ của bóng đá Scotland. Còn Ao Tanaka, cầu thủ ập vào ghi bàn thuộc biên chế Dusseldorf cũng ở Bundesliga. Tổng quát hơn, có 19 thành viên Samurai Xanh đang chơi bóng tại châu Âu, hâu hết cho các giải bóng đá hàng đầu.

Nói vậy tuyệt đối không phải để chê Mitoma kém, mà nhằm ca tụng đội tuyển Nhật lắm nhân tài. Samurai xanh hiện tại chẳng khác gì đội tuyển châu Âu. Điều chỉ 10 năm trước còn là mơ ước. Bằng chứng là từ World Cup 2014 trở về trước, danh sách đội tuyển Nhật Bản chưa bao giờ có quá 5 cầu thủ chơi bóng tại lục địa già, môi trường đỉnh cao của bóng đá cấp CLB.

Makoto Hasebe, cựu thủ quân đội tuyển Nhật khi bình luận về sự kiện Kagawa gia nhập Manchester United đã chia sẻ rằng: "Ở thế hệ chúng tôi, một cầu thủ ra nước ngoài và chơi cho một câu lạc bộ hàng đầu thế giới chỉ có thể thấy trong truyện tranh". “Truyện tranh” chính là nơi để người Nhật một thời thể hiện tình yêu và mơ ước về bóng đá. “Truyện tranh” cũng là phương tiện chắp cánh cho môn thể thao vua bay cao trên xứ sở mặt trời mọc.

Đường dẫn đến khung thành từ truyện tranh

Thật vậy! Nhật Bản vốn không phải quốc gia ham mê trái bóng tròn. Bóng chày hay các môn võ truyền thống được người dân Phù Tang yêu thích hơn. Bóng đá Nhật Bản cũng trải qua nhiều thập niên làng nhàng. Câu chuyện “đôi giày nhỏ” đội tuyển Nhật tặng cho đội tuyển Việt Nam cách nay hơn 60 năm không hề là giai thoại huyền hoặc.

Chính những bộ truyện tranh như Captain Tsubasa hay Đường dẫn đến khung thành với nhân vật quái kiệt Jindo đã khơi dậy tình yêu bóng đá trong con người Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhờ chiến lược phát triển đúng đắn, từ việc nâng cao thể chất, phát triển bóng đá học đường hay xây dựng hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp chất lượng cao, bóng đá xứ Phù Tang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Những nét vẽ giàu trí tưởng tượng của Yoichi Takahashi, tác giả bộ truyện tranh Captain Tsubasa, đã không còn là những câu chuyện viển vông hoang đường. Nếu Takahashi đã đưa Tsubasa đầu quân cho Barcelona, sát cánh với những ngôi sao hàng đầu thế giới như Rivaldo, Luis Figo, hay lập hattrick vào lưới Real Madrid trong trận cầu El Clasico, thì các tuyển thủ Nhật Bản ngày nay đã đánh bại từ đội tuyển Đức đến đội tuyển Nhật Bản bằng những pha xử lý đẹp như truyện tranh.

Minh chứng sinh động nhất chính là cú sút-tê của Mitoma. Pha bóng ấy được cả thế giới lật đi, lật lại chẳng khác gì những trang truyện tranh miêu tả tuyệt kỹ của Tsubasa hay Jindo. Hiện thực và trí tưởng tượng hóa ra không cách xa nhau như người ta nghĩ!