Góc nhìn luật gia

Cụ ông đánh công an ở Hà Nội: Là bệnh binh, thường xuyên không tỉnh táo

Luôn ám ảnh, mơ màng trong ký ức chiến tranh, đó là cuộc sống của ông N.V.H. - người bệnh binh gây xôn xao dư luận về hành vi tấn công một chiến sỹ công an

Ngày 30/7, mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một chiến sĩ công an phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra nhắc nhở về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn đã bị một người đàn ông lớn tuổi tấn công bằng mũ cối. Ngay sau đó, nhiều người dân xung quanh đã phối hợp cùng lực lượng chức năng khống chế, đưa người này về trụ sở.

Ngõ 127 đường Lạc Long Quân, nơi xảy ra sự việc

Tại trụ sở, danh tính cụ ông được làm rõ là N.V.H., sinh năm 1942, trú tại tổ 10, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội. Sự việc được đẩy lên cao trào khi trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc với hành vi trên của cụ ông. Phần vì thái độ và hành vi chống đối, tấn công cán bộ đang làm nhiệm vụ; phần vì toàn Thành phố đang chấp hành thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác... đồng thời tuân thủ chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng để đảm bảo phòng dịch. Vì vậy, hành vi  của cụ ông giữa thời điểm này là khó thể chấp nhận.

Liên quan đến sự việc, chiều 31/7, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết, phường đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với ông N.V.H. về hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Còn đối với hành vi chống đối, tấn công cán bộ, cơ quan điều tra Công an quận đang củng cố hồ sơ, xem xét xử lý.

Thế nhưng, ít ai biết, trái với hành động đoạn clip, ngồi trong phòng tạm giữ của cơ quan công an, trong suốt quá trình lấy lời khai, con người ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” này lại chỉ nhớ được duy nhất một chi tiết, đó là địa chỉ sinh sống của mình ở tổ 10 phường Xuân La.

Làng Xuân Tảo Sở, nơi ông N.V.H sinh sống

Và khi lần tìm về địa chỉ nơi cụ sinh sống, nhiều người dân xung quanh đều tỏ ra trĩu nặng và có chút thương cảm vì thần kinh của cụ không được tỉnh táo. Căn phòng nhỏ chật hẹp nơi cụ sinh hoạt, ngổn ngang rác và hàng trăm thứ phế phẩm đủ loại. Theo lời chia sẻ của người nhà, vết thương trong chiến tranh khiến cựu binh này đôi khi không kiểm soát được hành vi của mình, có khi nửa đêm còn đánh thức mọi người bởi những tiếng hô vang xung phong. Đến chiếc giường ngủ cũng bị cụ tháo bung, vứt ngang dọc và cụ thì… nhất định nằm dưới đất.

Căn phòng nơi ông H sinh hoạt hàng ngày

Ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La xác nhận, ông N.V.H là bệnh binh, tham gia chiến tranh kháng chiến chống Mỹ. Thường ngày ông cụ hiền lành, chỉ khi trái gió trở trời, bệnh tình tái phát ông mới hay cáu gắt, bà con xung quanh đều hiểu và thông cảm nên cũng không ai trách móc.

Theo giấy chứng nhận số 235 TL/BB được gia đình cung cấp, cụ H. là bệnh binh hạng hai với tỷ lệ mất sức lao động lên đến 61%. Vài năm gần đây, bệnh tình của cụ có dấu hiệu trở nặng, tinh thần luôn ở trạng thái căng thẳng. Gia đình nhiều lần bàn tính đưa cụ đi chạy chữa nhưng vì cụ nhất định không để ai lại gần nên gia đình cũng rất loay hoay tìm phương cách. Và không may, vừa qua lại xảy ra sự việc đáng tiếc trên.

Giấy chứng nhận bệnh binh của ông N.V.H

Luật sư Thùy Dương, công ty Luật Minh Gia nêu quan điểm, Điều 21 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Từ đó, Luật sư Thuỳ Dương nhận định, ở đây cần làm rõ, vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cụ thể là hành vi tấn công đồng chí cảnh sát, ông H có bị giới hạn về mặt nhận thức hay không?

"Pháp luật đã có quy định rõ ràng, kèm theo đó là tính nhân văn, sự khoan hồng cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Nếu nhận thức của ông H. tại thời điểm xảy ra sự việc không bình thường, có dấu hiệu phát bệnh cộng thêm tiền sử bệnh binh trước đó thì căn cứ theo quy định nêu trên, ông H. sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc", bà Dương Nhận định.

Nữ Luật sư cũng cho rằng, pháp luật cần xử lý nghiêm minh với mọi hành vi vi phạm, thế nhưng, xét ở một khía cạnh khác, trong câu chuyện này, ít nhiều, mọi người cũng có sẽ một sự thấu cảm nhất định đối với ông H. – một người vừa đáng trách nhưng cũng thật đáng thương.

                                                                                                                                                        Minh An