Kinh tế vĩ mô

CPI 8 tháng đầu năm 2021 tăng thấp nhất trong 6 năm

Bình quân 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội ngày 29/8 của tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Lý giải về những nguyên nhân khiến CPI trong 8 tháng đầu năm biến động, tổng cục Thống kê cho biết, do giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.

Cùng với đó, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của EVN đã giảm giá điện, tiền điện trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020), quý IV/2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021) và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại kỳ hóa đơn tháng 8/2021.

Do đó, giá điện sinh hoạt bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,83% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76%.

CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng thấp nhất trong 6 năm qua (số liệu: tổng cục Thống kê).

Trong tháng 8/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm.

Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8/2021 tính chung không đổi so với tháng trước (ảnh: Hữu Thắng).

Ở chiều ngược lại, 4 nhóm hàng giảm giá là nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%).

Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Số liệu công bố cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%).

“Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011”, tổng cục Thống kê đánh giá.