Dân sinh

“Cột mốc sống” nơi biên cương

Đã bước sang tuổi 65 nhưng già làng Y Mok Hra vẫn tự nguyện làm một “cột mốc sống” chung tay bảo vệ từng đường biên, mốc giới, bảo vệ tài sản vô giá của quốc gia.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều năm qua già làng Y Mok Hra (SN 1958, trú tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tiên phong tham gia công tác bảo vệ an ninh biên giới giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia. Với già, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng mà còn là niềm tự hào của một người dân Việt Nam.

Già Y Mok cho hay, trước đây, ông có 30 năm làm cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Do diện tích rừng của vườn quốc gia Yok Đôn có nhiều khu vực giáp biên giới Việt Nam – Campuchia nên cùng với công tác bảo vệ rừng, ông Y Mok và các đồng nghiệp còn có nhiệm vụ phối hợp với cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng thường xuyên tuần tra, bảo vệ biên giới. Cũng nhờ vậy, ông mới thấu hiểu những vất vả, gian lao của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc.

Sau hơn 40 năm tham gia bảo vệ biên giới, già làng Y Mok không nhớ nổi mình đã đi tuần tra bao nhiêu chuyến.

“Biên giới quốc gia thể hiện chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi nước. Không chỉ vậy, việc bảo vệ biên giới cũng góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến tài sản của quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ và cũng là nghĩa vụ của mọi công dân”, ông Y Mok nói.

Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới nên cách đây hơn 10 năm, sau khi nghỉ hưu, ông Y Mok vẫn tích cực tự nguyện đăng ký tham gia đi tuần tra bảo vệ biên giới. Ông mong muốn chút công sức nhỏ bé của mình sẽ góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới.

Theo đó, định kỳ hàng quý, già Y Mok lại cùng với chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Krông Na và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng lại tổ chức băng rừng, lội suối, thực hiện công tác tuần tra biên cương, mốc giới. Do rừng núi hiểm trở nên trước khi lên đường đi tuần tra biên giới, già Y Mok không quên nhắc nhở mọi người mang theo đèn pin, thuốc điều trị rắn cắn, cảm sốt, đau bụng... để xử lý kịp thời phòng khi có sự cố bất ngờ xảy ra.

Theo già làng Y Mok, việc bảo vệ biên giới không chỉ góp phần bảo vệ tài sản vô giá của quốc gia mà còn bảo vệ cho tài sản của mỗi người dân.

Sau khi vượt chặng đường 28km từ buôn Drang Phôk đến biên cương, già Y Mok cùng với tổ tuần tra tiến hành phát quang, quét dọn sạch sẽ đường biên và xung quanh các cột mốc. Đồng thời, già còn tận tay lau chùi cẩn thận từng cột mốc trên đường biên giới.

Đến nay, sau hơn 40 năm tham gia bảo vệ biên giới, già Y Mok không nhớ nổi mình đã đi tuần tra bao nhiêu chuyến. Tuy nhiên, mỗi lần được đặt chân đến đường biên, mốc giới lại để lại cho già những ấn tượng khó phai.

Già Y Mok chia sẻ: “Tại khu vực đường biên giới, đường đi khó khăn những mỗi người dân khi đặt chân đến nơi đây đều cảm nhận trong sâu thẳm niềm tự hào, thiêng liêng. Mỗi cột mốc là tài sản vô giá của quốc gia và phân biệt rõ ràng ranh giới của hai nước Việt Nam - Campuchia. Đặc biệt, ở nơi đây, không khí vô cùng tĩnh lặng và rất yên bình. Mặt khác, khi tận mắt ngắm nhìn hai chữ Việt Nam được khắc lên mỗi cột mốc, tôi cùng những người trong tổ tuần tra đều cảm thấy rất vinh dự, tự hào và tự nhủ sẽ cùng nhau giữ gìn thật tốt chủ quyền lãnh thổ của quốc gia cho đến khi đôi chân không đi được nữa”.

Nhân dân xã Krông Na cùng chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ từng đường biên, cột mốc.

Đặc biệt, trong một lần tham gia tuần tra biên giới cách đây hơn 10 năm, già Y Mok và những người trong tổ tuần tra bất ngờ nghe tiếng động rất lớn giữa rừng nên lập tức đi kiểm tra thì phát hiện 2 hang dơi khổng lồ. “Tôi còn nhớ, thời điểm đó đang là mùa nắng. Khi đi đến gần khu vực biên giới thì mọi người bất ngờ nghe tiếng động. Sau khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện 2 cái hang rất lớn giữa rừng, trước cửa hang còn có 2 cột đá lớn. Lúc này, mọi người dùng đèn pin rọi vào thì thấy vô số con dơi đang đu bám, bay lượn trong hang. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong quá trình tham gia tuần tra bảo vệ biên giới”, già Y Mok kể lại.

Vận động người dân bảo vệ tài sản quốc gia

Với những cảm xúc thiêng liêng, hình ảnh trực quan trên biên giới, già Y Mok đã mang về giới thiệu đến bà con trong các buổi họp buôn. Từ đó, già phân tích cho mọi người dân trong buôn của mình hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Theo già, việc bảo vệ biên giới không chỉ có ý nghĩa bảo vệ tài sản vô giá của quốc gia mà còn góp phần bảo vệ cho tài sản của mỗi người dân Việt Nam.

Bằng sự khéo léo trong công tác dân vận, những năm qua, già Y Mok không ngừng vận động bà con trong buôn tích cực chung tay bảo vệ từng đường biên, cột mốc của quốc gia. Nhờ vậy, đến nay, trong buôn Drang Phôk đã có nhiều gia đình, nhiều người đăng ký tham gia các mô hình bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia tuần tra cùng bộ đội biên phòng.

Trên địa bàn xã Krông Na có 11 tập thể, 212 hộ gia đình, 308 cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ biên giới.

Già cũng tận tình chỉ rõ những đặc điểm nhận dạng trên khu vực biên giới của Việt Nam để mọi người dễ dàng nhận ra mỗi khi đến đây. Mặt khác, già Y Mok còn nỗ lực tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới tới quần chúng nhân dân. Từ đó, giúp bà con nâng cao nhận thức, ý thức được vai trò của mình và trở thành những "cột mốc sống” kết hợp cùng bộ đội biên phòng đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới. Đồng thời, giúp người dân tránh được những vi phạm pháp luật trên biên giới.

“Đường tuần tra biên giới là “con đường nóng” của đất nước nên không phải ai cũng được đến và tự do đi lại. Do đó, tôi luôn nhắc nhở bà con khi đến cách cột mốc khoảng 150m thì tuyệt đối không được tiếp tục di chuyển đến đường tuần tra biên giới khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Bởi nếu chẳng may vi phạm thì người dân không chỉ gặp rắc rối mà còn bị xử phạt hành chính... theo quy định. Nhờ vậy, từ trước đến nay, không có người dân nào trong buôn vi phạm pháp luật liên quan đến biên giới”, già Y Mok cho biết thêm.

Tổ tuần tra tổ chức quét dọn tại khu vực đường biên giới.

Nói về những đóng góp của già Y Mok trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, ông Y Cường Niê – Trưởng buôn Drang Phôk cho hay, mặc dù đã lớn tuổi nhưng thời gian qua, ông Y Mok rất nhiệt tình, năng nổ tham gia công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới. Nhờ sự “truyền lửa” của già Y Mok nên số lượng người dân trong buôn đăng ký tham gia đi tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới ngày các nhiều. Hiện nay, có 29 hộ trong buôn đăng ký tham gia đi tuần tra bảo vệ chủ quyền của quốc gia.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, trên địa bàn xã có 11 tập thể, 212 hộ gia đình, 308 cá nhân đăng ký tham gia thực hiện các nội dung Chỉ thị 01/CT-TTg. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong việc bảo vệ an ninh trật tự vùng biên, an ninh biên giới quốc gia.

Khánh Ngọc