Thế giới

COP28: Cơ hội cuối cùng để thay đổi quỹ đạo khủng hoảng

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi các nước chấm dứt việc sử dụng cái mà ông gọi là “gốc độc” của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã chính thức khai mạc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vào ngày 30/11 và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 12/12.

“Hãy... Biến... Lời hứa... Thành... Tiến bộ”. Đó là những từ được in trên những lá cờ khổng lồ treo trên trần nhà bên trong Expo City ở Dubai, nơi hơn 70.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đang tề tựu. Thông điệp đó gói gọn nội dung của COP28.

Trong nhiều năm nay, các quốc gia trên thế giới đã thảo luận rất nhiều về vấn đề khí hậu, nhưng thực tế là những lời nói đó không được chuyển thành hành động với tốc độ đủ nhanh. Trong khi đó, điều mà mọi người có mặt ở Dubai đều biết là thời gian đã không còn nhiều nữa.

“Sự thật không thể tránh khỏi”

Cánh cửa cơ hội, để giữ sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C và tránh một số tác động thảm khốc nhất đối với hành tinh Trái Đất, đang nhanh chóng đóng lại. Và hầu hết các đại biểu đều đồng ý rằng Hội nghị Thượng đỉnh này là cơ hội cuối cùng để thay đổi quỹ đạo của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Như thường lệ, hội nghị mở đầu bằng một báo cáo từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Báo cáo lần này cảnh báo rằng năm 2023 là năm nóng kỷ lục, khí nhà kính tiếp tục tăng, băng ở Nam Cực thấp kỷ lục và mực nước biển cao kỷ lục.

Trọng tâm hội nghị ở Dubai sẽ là “kiểm kê toàn cầu”, lần đầu tiên sau 5 năm rà soát lại mức độ tiến bộ thực sự đã đạt được kể từ thỏa thuận ban đầu được ký kết ở Paris vào năm 2015. Vấn đề gây tranh cãi nhất được đem ra bàn vẫn là làm thế nào đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber (ở giữa) tham dự phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP28, ngày 30/11/2023, tại Dubai, UAE. Ảnh: China Daily

Khi COP28 khai mạc, Nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó biến đổi khí hậu C40, bao gồm New York, London, Bắc Kinh, Paris và Cape Town, đã công bố bức thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó họ chỉ ra “sự thật không thể tránh khỏi” mà thế giới phải đối mặt là: Nhiên liệu hóa thạch phải bị bỏ lại phía sau.

“Chúng ta phải loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ khí hậu cũng như bảo vệ con người khỏi những tác động bất công đối với sức khỏe và mức sống của họ”, bức thư – được ký bởi Đồng Chủ tịch C40 là Thị trưởng London Sadiq Khan và Thị trưởng Freetown (Sierra Leone) Yvonne Aki-Sawyerr – cho biết, đồng thời kêu gọi các biện pháp “để hạn chế ảnh hưởng không đáng có của ngành nhiên liệu hóa thạch”.

“Gốc độc” của cuộc khủng hoảng

Với sự tăng thêm tiếng đồng thanh của các quốc gia và các nhóm vận động vì môi trường, hy vọng được đặt ra là ít nhất một nửa số quốc gia có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 ở Dubai sẽ ủng hộ một thỏa thuận bao gồm việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Mỹ – nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi các nước chấm dứt việc sử dụng cái mà ông gọi là “gốc độc” của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết phái đoàn Mỹ ủng hộ cam kết “đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch không suy giảm và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong tất cả các hệ thống năng lượng vào giữa thế kỷ này”.

Một nhà máy điện chạy bằng than ở Neurath, miền Tây nước Đức, ngày 28/11/2023. Ảnh: Getty Images

Một thỏa thuận như vậy, như một phần của quy trình COP, sẽ mang tính tự nguyện và thông qua sự đồng thuận, nhưng rất có khả năng các nhà sản xuất dầu khí lớn khác, như Nga, Ả Rập Xê-út hoặc UAE - Chủ nhà COP28 sẽ chặn mọi ngôn ngữ rõ ràng kêu gọi chấm dứt nhiên liệu hóa thạch.

Ngay cả khi ngôn ngữ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch lần đầu tiên được thống nhất ở Dubai, nó sẽ đi ngược lại thực tế tham vọng của các quốc gia. Thế giới dự kiến sẽ đốt gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, trong khi Mỹ đang trên đà phá kỷ lục về sản xuất dầu khí trong năm nay.

Tuy nhiên, nếu tuyên bố về loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch được đồng ý ở COP28, nó vẫn có ý nghĩa. Bà Jean Su, chuyên gia pháp lý cấp cao tại Trung tâm Đa dạng Sinh học - một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết: “Đó sẽ là một bước đột phá. Nó sẽ cung cấp cơ sở cho những người dân bình thường gây áp lực buộc chính phủ của họ phải giữ lời. Ít nhất nó sẽ đặt ra những mục tiêu mà chúng ta đã bỏ lỡ suốt thời gian qua”.

Minh Đức (Theo The Guardian, ITV News)