Công viên người già

Công viên không phải chỉ được xây cho người già. Các bạn trẻ, hãy cùng thư giãn và hồi tưởng một chút, đã bao lâu rồi các bạn không tập thể dục?

Nhà tôi gần một công viên. Ngày nhiều thì hai lần, ít thì một lần đều đặn vợ chồng con cái đi bộ, chạy bộ ở đây. Và hàng ngày cũng một tới hai lần ấy tôi được chứng kiến một nghịch lý: Công viên toàn người già.

Ban đầu chỉ loáng thoáng thấy có điểm gì đó không bình thường nhưng chưa thể chỉ ra cho tường tận. Mãi sau ngồi nghỉ dưới ghế đá nơi công viên ấy trong đầu tôi chợt lóe lên câu hỏi: Sao công viên mà chỉ thấy toàn người già?

Những ngày đông lạnh giá này, sáng sáng tối tối đa phần chỉ thấy các ông các bà, trẻ thì trung niên, già thì lên lão trang bị đầy đủ “đồ bảo hộ”, nào là găng tay, khăn len, mũ len, khẩu trang… Nhiều cụ bị tai biến tay run run chống gậy hoặc đẩy xe tập thể dục. Có lẽ không chỉ riêng công viên gần nhà tôi mà ở các công viên khác cũng rất dễ bắt gặp hình ảnh này.

Nhìn những đôi mắt mờ đục, đôi bàn tay run run qua lớp găng tay dày cộp ấy, tôi cảm nhận rõ sự thèm khát sức khỏe mà các cụ đang cố hy vọng, cố giành giật lấy.

6h sáng, khi công viên đã đông đúc những cụ già thì ở rất nhiều căn phòng trong thành phố này, những người trẻ vẫn mơ màng trong chăn ấm, ngủ một giấc ngon lành.

Và 9h tối, khi các cụ già đã sửa soạn xong xuôi “đồ nghề” thì nhiều người trẻ vẫn mải mê ngồi trước máy tính hoặc để làm việc kiếm tiền, hoặc để xem phim, nghe nhạc, chat chit.

Nói vậy không có nghĩa quy chụp tất cả thanh niên sáng ngủ “nướng”, tối chat chit là làm việc vô bổ. Tuy nhiên, các bạn trẻ, hãy cùng thư giãn và hồi tưởng một chút, đã bao lâu rồi các bạn không tập thể dục?

Theo thống kê, các bệnh lý liên quan đến cột sống đang “hoành hành” trong giới văn phòng Việt Nam. 59,1% thanh niên từ 20-40 tuổi mắc các bệnh liên quan tới cột sống, đốt sống. 33% dân số ngoài 30 có nguy cơ mắc chứng thoái hóa đốt sống cổ, trong đó dân văn phòng chiếm đến 55%. Khoảng 60% nhân viên văn phòng có biểu hiện của đau mỏi vai gáy.

Nếu những con số là khô khan và khó tưởng tượng, hãy cùng nghe hai câu chuyện (ngắn thôi) mà chính tôi được chứng kiến.

Câu chuyện thứ nhất cho thấy một nghịch lý. Ông bác tôi ở quê, khỏe thì chẳng phải nhưng mỗi lần đun nước, dù bếp ngay bể nước nhưng nhất định không vào bếp đun mà phải đi lên tận nhà trên. Bác bảo, bác cố tình làm vậy để bắt mình tập thể dục. Thế mà trái lại, nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi, khỏe mạnh quanh tôi, sáng chiều chỉ 2 lần đứng lên đi ra cây nước cho vào bình nửa lít. Ngoài ra là mắt chỉ dán vào màn hình chứ tuyệt nhiên không có việc đi bộ, đi thang bộ lại càng không. Hôm nào thang máy hỏng là như chịu cực hình.

Câu chuyện thứ hai là về anh đồng nghiệp của tôi. Như bao dân văn phòng khác, anh cũng gặp vấn đề lớn nhất là không có khái niệm tập thể dục.

Anh bảo người ta cường điệu hóa tác dụng của việc tập thể dục. Như anh đây có tập thể dục đâu mà vẫn khỏe re. Đời mới phải trải mùi bệnh viện có một lần. Công viên cây xanh với hồ điều hòa cách nhà chưa đến 100m nhưng theo lời anh kể thì số lần ra đó tập thể dục còn ít hơn số lần anh đi viện. Không ai dám nghĩ một người bảo thủ, cố hữu như vậy cũng có ngày xỏ giày chạy bộ.

Các cụ có câu: Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Một ngày đẹp trời, lưng anh nhói một cái và sau phát nhói duy nhất ấy, anh nằm một chỗ, không thể cử động. Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, bệnh viện Bạch Mai cho biết, anh bị thoái hóa cột sống nặng. Nhiều khả năng do lười vận động.

Chỉ khi phải nằm bẹp gí gần tháng trời giữa bốn bức tường bệnh viện và bị cơn đau hành hạ anh mới cảm thán mà rằng: Biết thế!

Biết thế ngày xưa ra công viên tập thể dục nhiều hơn!

Biết thế ngày xưa đứng lên đi lại nhiều hơn thay vì ngồi gí một chỗ!

Lúc còn trẻ, chúng ta có nhiều sức khỏe và vì thế sẵn sàng phung phí nó vào những việc vô nghĩa mà quên đi nhiệm vụ phải giữ gìn. Đợi đến khi về già, sức khỏe xuống dốc và thời gian chẳng còn để mà chờ đợi nữa thì ai nấy lại mau mau chóng chóng tìm cách giành lấy chút tàn dư của tuổi trẻ.

Vì thế, công viên cây xanh hẳn là được xây nên không chỉ để dành cho người già!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả