Dân sinh

Công văn hoả tốc: Xác minh, xử lý thông tin dân trục lợi tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung mà báo chí đã phản ánh, xử lý nghiêm những trường hợp "trục lợi" từ việc tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi (nếu có).

Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành và có xu hướng lan rộng nếu cơ quan chức năng không kịp thời xử lý.

Tính đến ngày 21/5, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi; ổ dịch đầu tiên được phát hiện hồi đầu tháng Hai tại Hưng Yên; Hà Giang và Bình Dương là hai tỉnh mới nhất phát sinh ổ dịch tả lợn; số lượng lợn tiêu hủy tại các tỉnh có dịch hơn 1,5 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn toàn quốc.

Tuy nhiên, liên quan đến dịch tả lợn, câu chuyện bên lề trục lợi khiến dư luận xôn xao ít nhiều.

Tiêu hủy lợn dịch tả lợn châu Phi.

Theo bộ NN&PTNT, qua phản ánh của một số cơ quan báo chí tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trong khoảng thời gian gần đây, nhiều hộ dân dù không có chuồng trại hoặc có chuồng trại để nuôi gà, nuôi thỏ,… cũng khai báo nhà có lợn chết để được hỗ trợ.

Cũng theo phản ánh, thực tế còn có tình trạng người dân đánh tráo hoặc "quay vòng lợn" nhiều lần, khai khống lượng heo chết để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Sự việc trên khiến nhiều người bức xúc vì nghi ngờ có sự gian lận.

Trước thực trạng gây bức xúc này, bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung mà báo chí đã phản ánh; xử lý nghiêm những trường hợp "trục lợi" từ việc tiêu hủy dịch tả heo châu Phi (nếu có).

Văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị vào cuộc, làm rõ những vi phạm và xử lý nghiêm (nếu có).

Ngày 21/5, trên cả nước đã phát hiện thêm nhiều ổ dịch châu Phi. Ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Bình Dương cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 1 trang trại chăn nuôi ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo khiến gần 1.000 con lợn nhiễm dịch và bị tiêu huỷ.

Trại lợn nuôi 950 con bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Ông Trần Phú Cường cho biết, cán bộ thú y đang phối hợp với lực lượng chức năng địa phương chôn hủy toàn bộ số lợn trên, đồng thời tổ chức tiêu độc khử trùng và thực hiện các biện pháp nhằm khống chế không để bệnh lây lan.

Cách đây 3 ngày, vào ngày 18/5, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn tỉnh bắt đầu ghi nhận với báo VOV về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa bàn 2 xã Bản Lầu và Lùng Vai của huyện Mường Khương.

Dịch bệnh bùng phát rất nhanh, tính đến hết ngày 17/5 đã ghi nhận có 64 con lợn của 6 hộ dân bị chết phải đem tiêu hủy.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, đến nay tỉnh đã đầu tư gần 5 tỷ đồng mua vaccine, thuốc khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh ở lợn cho các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh ở loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%.

Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2016 đến nay, bệnh xuất hiện tại trên 59 quốc gia. Việt Nam là một trong ba nước châu Á có dịch (hai nước còn lại là Trung Quốc, Mông Cổ).

Lực lượng chức năng tiến hành chôn hủy số lợn nhiễm bệnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai quyết liệt, khá đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi.

Vì vậy, phòng, chống tốt và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng đối với các địa phương hiện nay.

Minh Anh (Tổng hợp)