Hồ sơ điều tra

Xét xử vụ Công ty Alibaba lừa đảo: Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị án chung thân

Sáng ngày 19/12, TAND Tp.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) và các đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Đề nghị án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện

Ngày 19/12, sau 10 ngày xét hỏi, phiên tòa bước vào phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân; Nguyễn Thái Lĩnh 16-18 năm cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10-12 về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (bìa phải) và các đồng phạm.

Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12-14 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5 năm tù về tội Rửa tiền.

Ngoài ra, các bị cáo khác bị đề nghị từ 12-13 năm và 20 năm cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho hơn 4.000 bị hại số tiền gần 2.400 tỷ đồng. Riêng bị cáo Mai phải trả lại 13 tỷ đồng bất chính của Công ty Alibaba.

Dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt hơn 2400 tỷ đồng

Nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND Tp.HCM khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước quản lý, chỉ Nhà nước mới có quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tách thửa.

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách đầu tư đất đai để tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để lừa dối, bán đất chưa đủ điều kiện cho các khách hàng. Trong đó, vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba là một điển hình.

Đại diện Viện kiểm sát luận tội.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện được xác định có vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Alibaba và 22 công ty con.

Các công ty con do Luyện thành lập được giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Các công ty này mua số lượng lớn đất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Sau đó tự vẽ và bán ra 58 dự án không có thật.

Kết quả xác minh, cơ quan chức năng tại các địa phương này đều xác định không có doanh nghiệp nào làm thủ tục xin phép đầu tư ở tất cả 58 dự án này.

Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã sử dụng chiêu thức bán giá rẻ, có những lô đất chỉ có giá hơn 100 triệu đồng, bán trả góp mỗi tháng 2-3 triệu.

Đồng thời, hứa mua lại đất nền giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm, hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian để lừa đảo khách hàng.

Qua đó, Luyện và đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của 4.550 khách hàng.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng VKSND truy tố bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ.

VKS cho rằng, bị cáo Luyện là người hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh bất động sản. Một dự án được huy động vốn, được phép giao dịch thì phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Tuy nhiên đến nay, chưa có dự án nào được cấp phép, chưa có pháp nhân nào thực hiện nghĩa vụ với cơ quan nhà nước trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, bị cáo Luyện cũng cho rằng mình không chiếm đoạt tài sản nhưng tại phiên tòa nhiều khách hàng khai đã hết hạn hợp đồng nhưng không được Công ty Alibaba trả gốc và lãi.

VKS cũng cho biết trong vụ án này Luyện đã dùng những thủ đoạn rất tinh vi để phạm tội. Bên cạnh đó, Luyện cũng tận dụng sự nhiệt huyết, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của những người còn rất trẻ (nhiều bị cáo chỉ từ 20-30 tuổi) để phục vụ mục đích của mình, đưa họ vi phạm pháp luật.

Vì vậy, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Về tội danh Rửa tiền 13 tỷ đồng đối với 3 bị cáo trong vụ án, VKS nêu nguồn tiền này hình thành từ hành vi phạm tội lừa đảo của Luyện và đồng phạm.

Quá trình điều tra xác định, sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) đã chỉ đạo bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán) chuyển vào tài khoản của Mai.

Sau đó, Mai chỉ đạo bị cáo Lực rút 13 tỷ đồng về cho mình. Đến nay, CQĐT chưa thu hồi được số tiền này.

Quá trình điều tra, Mai cho rằng số tiền này đã dùng để trả nợ. Tuy nhiên, VKS cho rằng lời khai của bị cáo là không có căn cứ. Bị cáo có mục đích thu lợi đến cùng nguồn tiền này. Do đó, cáo trạng truy tố 3 bị cáo phạm tội Rửa tiền là đúng.

An Bình