Môi trường

Công tác quản lý bảo vệ rừng tại VQG luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Sau 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  đã đạt được những kết quả nổi bật và đáng tự hào trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thế giới.

Ngày 5/7/2003, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (TNTG) với tiêu chí: Đại diện quá trình hình thành trái đất và giá trị địa chất. Bằng những nổ lực và hướng đi đúng trong định hướng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản, một lần nữa, ngày 08/7/2015, Hội nghị thường niên lần thứ 39 diễn ra tại Bonn (Đức), các thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới đã thống nhất bổ sung thêm 02 tiêu chí về Di sản thiên nhiên đối với VQG Phong Nha – Kẻ Bàng: Các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Trụ sở BQL VQG Phong Nha- Kẻ Bàng.

Trên cơ sở đó, phạm vi của Di sản đã mở rộng lên 123.326 ha (so với lần 1 là 85.754 ha), gồm 03 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha); phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha); phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha). Với những giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu nói trên, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành VQG lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam được công nhận là Di sản TNTG và là VQG đầu tiên trong khu vực đạt 3 trên 4 tiêu chí dành cho một Di sản TNTG.

Việc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được ghi nhận là Di sản TNTG là một dấu mốc không những khẳng định các giá trị ngoại hạng toàn cầu mà còn thừa nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên.

Sau 20 năm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản TNTG, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  đã đạt được những kết quả nổi bật và đáng tự hào trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thế giới.

20 năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại VQG luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ Di sản, 20 năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ đa dạng sinh học tại VQG luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; tổ chức, bộ máy Kiểm lâm được củng cố và kiện toàn (từ chổ chỉ có 04 Trạm Kiểm lâm với 15 biên chế; đến nay, toàn VQG có 11 Trạm Kiểm lâm và 02 Tổ Kiểm lâm Cơ động với 128 biên chế); quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đặc dụng được công nhận là Di sản TNTG, ngoài ra còn quản lý hơn 3.000 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất do UBND tỉnh Quảng Bình giao.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, Ban Quản lý Vườn luôn chú trọng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng tại gốc; thường xuyên thay đổi cách thức, phương pháp tuần tra, kiểm tra linh hoạt, bí mật, bất ngờ và kịp thời, đồng thời cương quyết bắt, giữ, xử lý các đối tượng vi phạm; áp dụng phần mềm SMART trong tuần tra quản lý bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học; điều chỉnh, hoàn thiện phương án quản lý bảo vệ rừng; phương án sử dụng đất; xây dựng kế hoạch tuần tra hàng tháng sát với tình hình thực tế trên từng địa bàn; khoanh vùng, xây dựng bản đồ những khu vực có phân bố nhiều động vật, thực vật quý hiếm.

Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng có những bước chuyển biến tích cực, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp và số lượt người vào rừng trái phép giảm mạnh qua các năm; tài nguyên rừng cơ bản được bảo vệ tốt, số lượng và tần suất bắt gặp các loài động vật rừng ngày càng nhiều, đặc biệt là các loài linh trưởng và các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Công tác kiểm tra giám sát các đơn vị khai thác du lịch trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR, bảo vệ môi trường được duy trì kiểm tra định kỳ hàng năm.

Kết quả 20 năm qua, lực lượng Kiểm lâm VQG đã tổ chức được trên 41.000 đợt tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học; ra Quyết định xử lý đối với 2.401 vụ VPHC trong lĩnh vực Lâm nghiệp, ra Quyết định khởi tố 19 vụ án hình sự và chuyển hồ sơ 08 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan CSĐT xử lý; chuyển 08 vụ VPHC cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Về công tác kiểm tra giám sát các đơn vị khai thác du lịch trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR, bảo vệ môi trường được duy trì kiểm tra định kỳ hằng năm. Trong gần 20 năm qua đã thực hiện được 21 đợt kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất hàng năm. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trái phép tại các cửa rừng, trên hai tuyến đường 20 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thông qua các barie có gắn camera giám sát (Tại các Trạm Kiểm lâm Số 6, Trộ Mơợng, Thượng Trạch); bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, duy trì thường xuyên các chốt bảo vệ rừng (10 tổ chốt) đóng tại các cửa rừng, khu vực xung yếu để kiểm soát hoạt động vào, ra của người và phương tiện trên các tuyến đường. Ngoài ra còn tổ chức trực chốt di động nhiều điểm khác nhau nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm hại làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng VQG. Lập danh sách các đối tượng có nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng cư trú trên địa bàn các xã vùng đệm đồng thời có các công văn gửi UBND các xã, thị trấn vùng đệm để phối hợp theo dõi, giám sát, quản lý.

Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, 96,2% diện tích khu VQG này được rừng bao phủ. Qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Phong Nha - Kẻ Bàng ghi nhận 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 03 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Về động vật, Phong Nha - Kẻ Bàng có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài nằm trong các phụ lục CITES.

Thu Hà