Xã hội

Công tác khắc phục sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh gặp nhiều khó khăn

Ngày 22/5, các đơn vị thi công vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Theo báo Tin tức, công tác sửa chữa gặp nhiều khó khăn do những ngày qua khu vực này có mưa lớn. Chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đưa ra nhiều phương án kỹ thuật, thăm dò địa chất để thực hiện đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhanh chóng.

Hiện có hơn 50 cán bộ, công nhân thuộc Chi nhánh khai thác Đường sắt Phú Khánh phối hợp với Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) đang triển khai các giải pháp khắc phục sự cố sạt lở đất, đá tại hầm đường sắt Chí Thạnh. Tại hiện trường, công nhân thay phiên nhau phun bê tông vào các điểm sạt lở trong hầm để giữ đất, đá; đồng thời tiến hành kiểm tra kỹ thuật, thăm dò địa chất để khoan đá từ trên nóc hầm rồi đổ bê tông gia cố các đoạn bị sạt lở.

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết, sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh tương tự như trường hợp sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (ở Khánh Hòa) xảy ra cách đây hơn 1 tháng. Đất đá trên mái hầm sạt xuống, gây tắc hầm và phương án khắc phục cũng được áp dụng tương tự như hầm Bãi Gió. Theo đó, đơn vị thi công cho khoan tạo neo 2 đầu khu vực hầm bị sụt lở, tạo khung sắt trên trần hầm, sau đó sẽ bơm bê tông để gia cố trần hầm.

Đất đá sạt lở che lấp hầm đường sắt Chí Thạnh. Ảnh: Tiền Phong.

Bên trong hầm đường sắt Chí Thạnh có khoảng 200m3 đất đá sạt lở, bít kín đường hầm. Do thời tiết khu vực này có mưa nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Lớp đất đá tại khu vực hầm đã bị phong hóa lâu ngày càng thêm nhão mềm và có nguy cơ sạt lở thêm. Ngành đường sắt vẫn chưa xác định được thời điểm hoàn thành việc khắc phục sự cố này.

Theo VTV, khu vực xảy ra sụt lở nằm ngay dưới đường tỉnh lộ 641 nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác thi công khắc phục sụt lở trong hầm Sở GTVT cấm các loại phương tiện lưu thông qua khu vực Đèo Thị (từ Km0+900 đến Km1+500) tuyến ĐT 641, trừ xe hai bánh.

Trước đó, trong quá trình thi công gia cố hầm Chí Thạnh (km 1.168+700 tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.Hồ Chí Minh) đã xảy ra sự cố sạt lở trong hầm, cách cửa hầm phía Bắc khoảng 160 m. Sự cố khiến đất, đá lấp kín bề ngang hầm, buộc phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và ga Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Sau sự cố sạt lở làm gián đoạn chạy tàu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện phương án chuyển tải hành khách của 12 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn và Hà Nội. Gần 2.700 hành khách đã được chuyển tải bằng ô tô giữa 2 ga La Hai và Tuy Hòa để tiếp tục đi tàu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85, địa chất tại khu vực hầm đường sắt Chí Thạnh phức tạp, khó lường, thay đổi liên tục nên việc thi công sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Ban đã chỉ đạo cán bộ, công nhân vừa thi công vừa quan trắc, theo dõi và có những cảnh báo nguy hiểm xảy ra, đảm bảo an toàn lao động. Qua việc thi công sửa chữa các hầm đường sắt cho thấy hầu hết đều xuống cấp và có nguy cơ cao sạt lở xảy ra. Do vậy, việc đánh giá lại toàn bộ các hầm đường sắt để có phương án chủ động sửa chữa vô cùng cần thiết.

Minh Hoa (t/h)