Công Phượng sang Hàn Quốc: Thảm đỏ và chông gai…

Sau những thành công vang dội mà ĐTQG Việt Nam làm được năm 2018, một loạt cầu thủ đã xuất ngoại tìm “bến đỗ” mới trong sự nghiệp của mình. Không hiểu sao, trong số cầu thủ xuất ngoại: Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng, tôi đặc biệt suy nghĩ và có nhiều cảm xúc về trường hợp của Công Phượng…

Lùi lại một chút thời gian để ngấm và thấm cảm xúc thăng trầm trong sự nghiệp của một chân sút tài hoa. Những ai theo dõi U23 Việt Nam thi đấu ở Thường Châu đều có một niềm tự hào vô bờ bến và cảm xúc thăng hoa. Tuy nhiên, trong giải đấu này sự tỏa sáng của thủ môn Bùi Tiến Dũng, sự xuất thần của Quang Hải… đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ, còn Công Phượng có phần lặng lẽ và có chút cam chịu. Khi cùng đồng đội trở về nước, dường như “vầng hào quang” cũng ít chiếu đến Công Phượng hơn. Lúc đó, có ai đó đã nói đến hai chữ "ngậm ngùi"….

Tôi đặc biệt ấn tượng với vẻ phong trần pha chút cương nghị trên gương mặt của Công Phượng. Anh sinh ra để dành cho thể thao, dành cho bóng đá.

Chứng kiến những pha đi bóng trên sân, với đôi chân lắt léo, bước chạy ngoằn ngoèo khiến đối phương rối loạn hàng phòng ngự, mới thấy cảm xúc Phượng tạo ra cho người xem “nghẹn ngào” đến mức nào. Nó giống như một bộ phim, có nút thắt, giải tỏa và vỡ òa cảm xúc khi anh ghi bàn.

Nhưng có lẽ cũng ít cầu thủ nào chịu nhiều búa rìu của dư luận của “cộng đồng mạng” như Công Phượng. Còn nhớ tại AFF Cup 2018 trong trận bán kết lượt đi gặp Philippines, Công Phượng đã có pha đi bóng “quỷ khốc, thần sầu” khi lừa qua hai hậu vệ, lừa luôn cả thủ môn đối phương song đã không thành công trong việc đưa bóng vào lưới đội bạn. Ngay lập tức sau đó, bằng bản năng phán xét và chỉ trích của “cộng đồng mạng”, Công Phượng trở thành nạn nhân cho trò giễu cợt, “lừa hai hậu vệ và thủ môn đội bạn, lừa luôn cả 90 triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam”.  Vẫn biết đôi khi là sự hài hước, song không ít sự hài hước, châm biếm mang dáng dấp của sự tàn nhẫn và vùi dập.

Công Phượng là vậy, âm thầm trên con đường chinh phục và có thể bằng kinh nghiệm bản thân, anh cũng hiểu được hai chữ "sự đời".

Bóng đá là cuộc chơi tập thể, dù có là thiên tài, anh vẫn cần đồng đội. Nghĩ thế để hình dung con đường phía trước của Công Phượng khi đã chính thức là thành viên của CLB  Incheon United, Hàn Quốc. Công Phượng đã có một màn “chào sân” bằng clip hứa sẽ thi đấu hết mình cho CLB này và mong người hâm mộ ủng hộ anh. Người hâm mộ hẳn họ sẽ ủng hộ Công Phượng, song thành công hay không lại ở chính khả năng của anh.

Ký ức về lần xuất ngoại không mấy thành công sang Nhật, để thấy sau thảm đỏ sẽ là chông gai dành cho Phượng. Thi đấu trong một CLB và một nền bóng đá có sự phát triển như Hàn Quốc, Phượng  đang đối đầu với thách thức. Sự cạnh tranh là điều đương nhiên, sự đòi hỏi duy trì phong độ, cảm giác bóng và bản năng “sát thủ” của một cầu thủ cũng là điều đương nhiên. Bóng đá chuyên nghiệp là cả tỏa sáng- tắt lịm. Nó là sự nghiệt ngã cầu thủ chuyên nghiệp phải chấp nhận.

Ở môi trường “đỉnh cao châu Á” và tầm thế giới như bóng đá Hàn Quốc, Công Phượng cần hơn 100% nỗ lực để thành công.

Nếu như sau thảm đỏ có chông gai, tôi cũng chỉ mong rằng, với đôi “giày đinh” của mình Công Phượng sẽ lướt trên nó và tỏa sáng. Và mong rằng, điều anh mang về trong đợt xuất ngoại này không phải là nỗi thất vọng…

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Ngọc Diệp