Sự kiện

Công nhân vừa cách ly vừa sản xuất, chủ doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" cùng người lao động

Với tình hình vừa chống dịch vừa sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, TP.HCM đang tính toán để hoàn thiện quy trình sau bỡ ngỡ ban đầu.

Thông tin tại buổi họp báo phòng chống Covid-19 của TP.HCM vào tối 21/7, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (HEPZA) Phạm Thanh Trực cho biết, tính đến thời điểm diện tại, HEPZA đã nhận được 618 hồ sơ đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất với phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến” từ các doanh nghiệp.

Sau khi nhận hồ sơ đăng kí, HEPZA đã phối hợp với ngành y tế và công an để thực hiện kiểm tra 479 doanh nghiệp. Từ đó, xác định 411 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo hai phương án trên với tổng số 44.145 người lao động. Với số doanh nghiệp còn lại, HEPZA sẽ tổ chức thẩm định trong thời gian tới.

Về một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, theo ông Phạm Thanh Trực, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia. HEPZA đã phối hợp với sở Y tế hướng dẫn những lao động này về nhà sao cho đảm bảo an toàn Covid-19 cho nơi cư trú. Nếu doanh nghiệp muốn bổ sung lao động khác vào thay thế thì những người này cũng phải đáp ứng được các điều kiện y tế về phòng dịch.

Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (HEPZA) Phạm Thanh Trực.

Ngoài ra, có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày. Theo HEPZA, điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, đơn vị đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải thực hiện quy định “3 tại chỗ” cùng với người lao động.

“Chúng tôi cho rằng, đối tượng là chủ doanh nghiệp phải cùng ăn cùng ở với người lao động khi thực hiện mô hình mới để vừa chống dịch vừa sản xuất. Họ phải đồng hành với chủ trương của thành phố chứ không thể đi ra đi vào làm ảnh hưởng phòng chống dịch bệnh”, ông Trực nêu vấn đề.

Trong quá trình triển khai, HEPZA đã phối hợp với trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để lấy mẫu tầm soát định kì cho người lao động.

Khi phát hiện một số trường hợp nghi dương tính với SARS-CoV-2, HEPZA đã phối hợp với các ngành liên quan xử lý dịch tễ theo quy định, đảm bảo không để dịch lây lan diện rộng.

Về phía các doanh nghiệp, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp đã sử dụng biệt lập 2 khu trong nhà máy, nhân viên mỗi khu sẽ không được qua lại. Còn chỗ ở cho nhân viên sẽ được dựng ở nhà kho và khuôn viên của công ty.

“Toàn bộ hoạt động nấu nướng được công ty thuê đội nấu chuyên nghiệp bên ngoài để phục vụ công nhân. Song song đó, với nhân viên giao hàng, khi phân phối hàng, họ về lại công ty nhưng chỉ ở bên ngoài, hạn chế tiếp xúc các khu vực khác và phải khử khuẩn cá nhân, phương tiện”, ông Thiện cho biết.

Cũng là doanh nghiệp có lượng hàng cung ứng ra thị trường rất nhiều trong giai đoạn này, công ty Ba Huân cũng đã kích hoạt phương án sản xuất tập trung.

Theo đó, công ty phân thành 3 khu, trong đó, nhân viên tại các trang trại chăn nuôi có nhà ở ngay tại đó và được phục vụ ăn uống đầy đủ, không đi ra ngoài để tránh lây nhiễm. Khối chế biến thực phẩm được sắp xếp tương tự. Còn khối văn phòng thực hiện giãn cách mỗi phòng làm việc chỉ 3 người.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc công ty Ba Huân nói: “Đội ngũ nhân viên vận chuyển, giao nhận được chuẩn bị kỹ hơn khi trang bị đồ bảo hộ để tránh sự xâm nhập của virus. Toàn bộ nhân viên đã được công ty thuê đội y tế quận 6 về xét nghiệm hai lần một tuần vào thứ Hai và thứ Năm”.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm thiết yếu mà ngay cả các doanh nghiệp gia công cũng phải kích hoạt chế độ “3 tại chỗ” để đảm bảo được tiến độ đơn hàng.

Việc thiết lập phương án “3 tại chỗ” với nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ tương đối đơn giản. Nhưng với các doanh nghiệp sản xuất lớn thì để đảm bảo việc sinh hoạt tập trung cho hàng ngàn nhân viên vẫn là bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp bất đắc dĩ phải tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng kịp trong thời gian gấp rút như vậy.

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tại quận Bình Tân, TP.HCM với hơn 56.000 lao động đã phải dừng sản xuất theo yêu cầu chính quyền địa phương để phòng chống dịch.

Đại diện công ty cho biết, nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc.

Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Nhưng nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy cũng đã hơn 16.000 người nên không thể đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho nhóm này trong 10 ngày.