Thế giới

Công nhân khai thác than ở Ba Lan biểu tình đòi tăng lương

Họ đặc biệt phẫn nộ vì lương của họ không được tăng trong khi doanh số bán than thì không ngừng tăng cao.

Công nhân của công ty than lớn nhất châu Âu ở Ba Lan đang yêu cầu tăng lương vì họ đã phải tăng ca và làm thêm vào cuối tuần để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn. Họ cũng muốn có thêm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Công nhân của công ty khai thác than do nhà nước điều hành Polska Grupa Górnicza (PGG) đã phong tỏa lối vận chuyển than tới các nhà máy điện để phản đối mức lương hiện tại được cho là đã không tính đến tiền công làm thêm của họ. Cuộc phong tỏa kéo dài 2 ngày bắt đầu lúc 07:00 giờ địa phương ngày 4/1.

“Trong vài tháng nay, do cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên khắp châu Âu, các thợ mỏ đã phải làm việc ngoài giờ và vào cuối tuần để tránh gián đoạn nguồn cung”, Công đoàn công ty cho biết trong một bài đăng trên Facebook sáng Thứ Ba (4/1).

Các thợ mỏ muốn được tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang. Lạm phát ở quốc gia châu Âu này, vốn đã ở mức cao nhất trong 20 năm là 7,8% vào tháng 11 năm ngoái, được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay.

"Chúng tôi không đòi hỏi bất cứ điều gì. Chúng tôi chỉ muốn công việc khó khăn của mình được đánh giá đúng", đại diện Công đoàn công ty cho biết.

Người phát ngôn của PGG, Tomasz Głogowski, cho biết công ty sẽ bắt đầu đàm phán sau khi người hòa giải được chỉ định.

Các thợ mỏ đã tổ chức một cuộc biểu tình trong 3 ngày từ 21/12 đến 23/12 năm ngoái sau khi các cuộc đàm phán với phía công ty thất bại. Họ đặc biệt phẫn nộ vì lương của họ không được tăng trong khi doanh số bán than thì không ngừng tăng cao do nhu cầu điện được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Công nhân của công ty khai thác than biểu tình đòi tiền làm thêm giờ. Ảnh: Politico

Trữ lượng than khai thác của Ba Lan đã giảm từ 6,4 triệu tấn năm ngoái xuống 2,5 triệu tấn hiện nay - với nhiều kho dự trữ giảm xuống dưới mức yêu cầu tối thiểu.

“Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung than đều có thể gây hại cho việc xây dựng lại nguồn dự trữ nhiên liệu quan trọng đối với hoạt động ổn định của một số trạm phát điện quốc gia”, người phát ngôn của nhà điều hành lưới điện quốc gia PSE, nói với hãng thông tấn PAP của Ba Lan.

PGG cho biết hồi năm ngoái rằng, họ sẽ không thể tăng lương vì Ba Lan đang chờ Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt viện trợ công cho lĩnh vực khai thác mỏ.

Chính phủ đặt mục tiêu chi 30 tỷ Złoty (6,5 tỷ Euro) để duy trì các mỏ than của Ba Lan hoạt động đến cuối thập kỷ này. Kế hoạch dài hạn là loại bỏ dần việc khai thác than vào năm 2049, chỉ một năm trước thời hạn đạt trạng thái trung hòa carbon mà EU cam kết.

Cơ quan lập pháp Ba Lan đang soạn thảo kế hoạch và dự kiến sẽ gửi đến EC vào cuối tháng này. Ba Lan sử dụng than để tạo ra khoảng 70% điện năng, mức cao nhất trong EU.

Minh Đức (Theo Politico, Euronews)