Hồ sơ điều tra

Công nhận đạo diễn Việt Tú là tác giả vở diễn “Ngày xưa”

Công ty Tuần Châu không trực tiếp sáng tạo ra vở diễn và không phải là đồng tác giả mà chỉ là Chủ sở hữu của tác phẩm “Ngày Xưa”, công nhận đạo diễn Việt Tú là tác giả vở diễn này.

Sau quá trình nghị án dài ngày, sáng nay (20/3), TAND TP.Hà Nội đã ra tuyên án vụ kiện dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn được coi là thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam giữa công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc.

Toàn cảnh phiên xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn "Ngày Xưa".

Theo nội dung đơn kiện, ngày 16/11/2015, công ty Tuần Châu và công ty DS đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015 với tổng giá trị hơn 7,3 tỷ đồng.

Nội dung hợp đồng, các bên thống nhất công ty DS nhận thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh “Tuần Châu Hà Nội”. Công việc cụ thể của DS là: Tiếp cận và tìm hiểu quy mô dự án theo mong muốn của chủ đầu tư; Thiết kế hạ tầng biểu diễn theo yêu cầu dự án và kịch bản đề ra; Tư vấn và đưa ra các giải pháp dự án cho công ty Tuần Châu; xây dựng tổ chức hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên; giám sát và vận hành biểu diễn; xây dựng kịch bản, thiết kế nội dung biểu diễn, dàn dựng nội dung thiết kế hệ thống âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, hiệu ứng…

Tuần Châu khẳng định đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn, thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7 tỷ đồng và chi gần 6 tỷ đồng cho việc biểu diễn năm 2017 nên có quyền sở hữu. Do vậy, việc đạo diễn Việt Tú tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả và khai thác sản phẩm "Thuở ấy xứ Đoài"... là không đúng quy định.

Trong quá trình đưa ra biểu diễn thử nghiệm, do có một số ý kiến cho rằng vở diễn còn nhiều thiếu sót, chưa đạt được kỳ vọng nên công ty Tuần Châu buộc phải thuê đơn vị khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Quá trình đưa vụ án ra xét xử, Tuần Châu yêu cầu DS trả lại tác quyền vở diễn và bồi thường hơn 6 tỷ đồng chi phí mà Tuần Châu đã chi để dàn dựng vở diễn thay thế cũng như thuê luật sư giải quyết tranh chấp liên quan đến vở diễn "Ngày xưa".

Phía bị đơn cũng yêu cầu phản tố và đòi nguyên đơn bồi thường thiệt hại cho công ty DS vì tác phẩm phái sinh mang tên “Tinh hoa Bắc Bộ” được thực hiện trên nền tảng vở diễn “Ngày xưa”.

Đạo diễn Việt Tú.

Sau khi nghị án kéo dài, HĐXX nhận định Hợp đồng nguyên tắc số 0111 giữa hai bên thuộc phạm vi bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo hợp đồng này, vở diễn “Ngày xưa” là tác phẩm được hình thành từ Hợp đồng số 0111.

Theo nội dung Hợp đồng, công việc của DS là xây dựng kịch bản,… công ty DS đăng ký là tác giả vở diễn "Ngày xưa" là đúng nhưng không có quyền sở hữu tác phẩm. Trong khi đó, công ty Tuần Châu không trực tiếp sáng tạo ra vở diễn và không phải là đồng tác giả mà chỉ là Chủ sở hữu của tác phẩm “Ngày xưa” theo khoản 3, Điều 19, luật Sở hữu trí tuệ. Do đó HĐXX yêu cầu công ty DS phải trả lại tác phẩm này cho công ty Tuần Châu Hà Nội.

Tuy nhiên, do công ty Tuần Châu đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty DS và không chứng minh được vở diễn “chưa đạt yêu cầu” nên HĐXX không xem xét yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.

Xét yêu cầu phản tố của công ty DS về việc yêu cầu vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” được thực hiện trên nền tảng vở diễn “Ngày xưa”, HĐXX cho rằng vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” không phải là sản phẩm độc lập mà chỉ là một tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa”. Như vậy, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của công ty DS xác định vở diễn thực cảnh “Tinh hóa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh, buộc CTCP Tuần Châu Hà Nội phải trả cho công ty DS hơn 660 triệu đồng được xác định là chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.

HĐXX không chấp nhận yêu cầu của CTCP Tuần Châu Hà Nội về việc yêu cầu bị đơn phải bồi thường hơn 7 tỷ đồng.