Công nghệ

Công nghệ đang tiếp sức như thế nào cho thế vận hội Paralympic 2020?

Công nghệ tiên tiến đang làm nên những điều khác biệt trong quá trình thi đấu các môn thể thao tại Thế vận hội Paralympic 2020.

Với khẩu hiệu "We Have Wings" (Chúng ta có những đôi cánh), Thế vận hội Paralympic 2020 đang được diễn ra từ 25/8- 5/9 tại Tokyo, bao gồm 22 nội dung tranh tài, với 539 bộ huy chương các loại. Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) cho biết có tổng cộng 161 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, đặc biệt có sự tham gia của đoàn vận động viên tị nạn. Thế vận hội năm nay ghi nhận số vận động viên  tham gia đông nhất lịch sử với 4.403 người, ngoài ra số lượng vận động viên nữ cũng lập kỷ lục là 1.853 người.  

Đổi mới là trọng tâm của Thế vận hội Tokyo 2020 và đặc biệt có ý nghĩa đối với Thế vận hội Paralympic. Bởi, ngoài ý chí và bản lĩnh phi thường, những vận động viên khuyết tật còn được trang bị “vũ khí bí mật” là những thiết bị công nghệ hỗ trợ tiên tiến giúp vươn tới thành tích cao. Những đối mới về công nghệ cũng đã tác động rất nhiều đến cách mà các môn thể thao Parasport thi đấu. Dưới đây là một phần trong rất nhiều công nghệ tiên tiến đang hiện diện trong các trận tranh tài Paralympic 2020. 

Cũng như môn cầu lông đứng, các vận động viên ngồi xe lăn cần thực hiện các động tác kéo- đẩy dài và ngắn, nhanh và chậm, các kỹ thuật dừng và hồi phục. Xe lăn cầu lông được thiết kế đặc biệt, với tựa lưng và bánh xe phụ ở phía sau giúp các vận động viên có thể di chuyển nhẹ nhàng trên sân, thực hiện cú đánh xoay hoặc ngả người về phía sau thoải mái mà không lo bị lật ngửa. Chiếc xe lăn thế hệ mới ra đời đã hiện thực hóa ước mơ của các vận động viên khuyết tật khi môn cầu lông được lần đầu tiên được đưa vào nội dung thi đấu Paralympic 2020.

Tại Thế vận hội, những chiếc xe đạp đua thế hệ mới có thể giúp các vận động viên vượt quá tốc độ 60 km/h. Ngoài ra, những chiếc xe tiêu chuẩn được cho phép sửa đổi để hỗ trợ các vận động viên gặp khuyết tật về cánh tay. Ghi đông xe được sửa đổi tùy thuộc vào tay nào của vận động viên có khả năng di chuyển nhiều hơn, trong khi vận động viên bị cụt chân thì được cho phép gắn chân giả vào bàn đạp.

Một sản phẩm công nghệ khác đang hỗ trợ rất nhiều cho các cung thủ năm nay là nẹp nhả đạn. Thiết bị này được đặt ở phía sau của vận động viên, được gắn vào một cái nẹp và buộc vào phần phía trên của cơ thể. Một cơ chế kích hoạt bằng tay hoặc các bản lề khác nhau đã được các kỹ sư tinh chỉnh để hỗ trợ cung thủ có thể phóng ra mũi tên với lực hết sức.

Các bộ phận chi giả thế hệ mới nổi bật lên là đặc tính nhẹ, đàn hồi và nhỏ gọn, tạo điều kiện thoải mái để các động viên đạt hiệu suất tối đa trên đường đua tốc độ. Chân giả hình chữ J được làm từ sợi carbon, một vật liệu chắc, nhẹ và giúp vận động viên cải thiện khả năng giữ thăng bằng khi bước về phía trước, cả khi chạy nước rút. Cánh tay giả kiểu dây đeo có trọng lượng nhất định, được buộc vào bắp tay sẽ giúp vận động viên kiểm soát tốt hơn việc đánh tay lấy đà, giảm sự chèn ép đến các dây thần kinh và nguy cơ rối loạn cảm giác. 

Các nhà sản xuất ngày càng sử dụng công nghệ sợi carbon thay vì vật liệu nhôm trước đây, giúp xe lăn đua nhẹ và ổn định hơn. Ghế ngồi trên xe lăn có thể tùy chỉnh theo cơ thể của. Các bánh xe có độ căn chỉnh thước lái 10-15 độ để tăng thăng bằng khi đua tốc độ  cao. Ngày nay, công nghệ in 3D cũng đã được sử dụng để làm găng tay tùy chỉnh giúp các vận động viên tạo đà và lực đạp dễ dàng.

Xe lăn bóng rổ được tùy chỉnh theo nhu cầu và mức độ thương tật của vận động viên. Những vận động viên ít di chuyển phần thân dưới sẽ có tựa lưng cao hơn để tăng khả năng thăng bằng. Đối với những vận động viên có nhiều khả năng di chuyển hơn, có thể lắp thêm một bánh xe phía sau giúp thực hiện các cú đánh ngả người hết mức. Xe lăn bóng rổ được cải tiến có phần ghế cao hơn, và vành đẩy lớn hơn (đường kính từ 60-68cm) so với xe lăn điền kinh. Ghế bóng rổ xe lăn có thể uốn cong 20 độ so với mặt đất để dễ đàng thực hiện các cú ném bóng.

Những vận động viên bơi lội khiếm thị được đồng hành cùng người trợ lý mang tên 'thiết bị cảm biến', có chức năng phát hiện vật cản, cho biết khi nào nên quay đầu, khi nào sắp chạm đến bức tường. Thiết bị này thường là một chiếc sào có phần cuối mềm và đủ dài để có thể chạm vào đầu, vai hoặc lưng người bơi. Các thiết bị này có thể là tự chế và cần được IPC phê duyệt trước khi sử dụng. Công nghệ cảm biến đang hiện diện ngày càng nhiều trong các trân tranh tài thể thao, điển hình là môn bơi lội.

Ghế xe lăn bóng bầu dục được cải tiến để tăng khả năng chịu va chạm và khả năng cơ động. Xe được làm từ kim loại nhôm hoặc titan, có thể thiết kế thêm bánh thứ năm hoặc thứ sáu tùy thuộc vào tình trạng khuyết tật của vận động viên. Ghế tấn công được lắp thêm 'cánh' bằng kim loại nhôm ở bánh trước, còn đối với ghế phòng thủ được lắp thêm móc ở phần trước của ghế để bẫy đối thủ.

Có thể thấy, công nghệ đang hỗ trợ rất nhiều và làm nên những điều khác biệt trong quá trình thi đấu các môn thể thao tại Thế vận hội Paralympic năm nay. Mặc dù vẫn còn nhiều sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng những cải tiến đã cho thấy tính khả thi và là động lực giúp người khuyết tật vươn tới giấc mơ của mình. Ứng dụng công nghệ tiên tiến là xu thế tất yếu của thời đại. Quốc gia nào bắt kịp được công nghệ, quốc gia đó sẽ giành lợi thế. 

Ảnh: paralympic.org

Phạm Thu Thanh