Chính sách

Công chức được miễn tập sự khi nào?

Để trở thành công chức trong các cơ quan Nhà nước, người được tuyển dụng cần phải trải qua giai đoạn tập sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, công chức được miễn tập sự.

Tại Điều 40 Luật Cán bộ, công chức, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ. Theo đó, việc tập sự giúp công chức mới được tuyển dụng làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Công chức được miễn tập sự khi nào? (Ảnh minh họa)

Thời gian tập sự công chức

Thời gian tập sự của công chức hiện được quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể như sau:

- Nếu tuyển dụng vào công chức loại C: Tập sự 12 tháng

- Nếu tuyển dụng vào công chức loại D: Tập sự 6 tháng

Bên cạnh đó, với riêng công chức cấp xã, thời gian tập sự có thể chỉ là 3 tháng nếu được xếp lương ngạch nhân viên (tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định 92/2009/NĐ-CP).

Ngoài ra, nếu là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng thì phải tập sự trong thời gian ít nhất là 3 tháng đến không quá 12 tháng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 140/2017/NĐ-CP.

Do đó, tùy vào từng đối tượng, vị trí việc làm cụ thể mà công chức mới được tuyển dụng có thể phải tập sự từ 3 tháng đến không quá 12 tháng.

Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác không được tính vào thời gian tập sự.

Quy định là thế, nhưng không phải trường hợp nào công chức cũng phải tập sự. Nghị định 161/2018/NĐ-CP chỉ rõ về trường hợp công chức được miễn tập sự nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

- Được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm

- Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự.

Tiền lương trong thời gian tập sự

Điều 22 Nghị định 24/2010/NĐ-CP nêu rõ, trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1; Nếu có bằng thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2; Nếu có bằng tiến sĩ phù hợp yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.

Có thể hiểu, người tập sự chỉ được hưởng 85% mức lương của ngạch tuyển dụng trừ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 24:

- Làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

- Làm việc trong các ngành, nghề độc hại, nguy hiểm.

- Là người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cơ yếu chuyên ngành, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 140, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cũng được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm.

Như vậy, có 4 trường hợp công chức tập sự được hưởng 100% lương và phụ cấp tăng thêm.

Khi nào công chức tập sự không được tuyển dụng?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức hiện đang có hiệu lực, người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự được bổ nhiệm vào ngạch công chức. Trong đó, ngạch công chức gồm:

- Chuyên viên cao cấp và tương đương.

- Chuyên viên chính và tương đương.

- Chuyên viên và tương đương.

- Cán sự và tương đương.

- Nhân viên.

Như vậy, theo quy định tại Luật này, công chức mới trúng tuyển hoàn thành chế độ tập sự là được bổ nhiệm vào ngạch công chức.

Tuy nhiên, tại Điều 24 Nghị định 24/2010/NĐ-CP có quy định về trường hợp hủy bỏ quyết định tuyển dụng với người tập sự gồm:

- Người tập sự không hoàn thành nhiệm vụ: Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí đến mức bị kỷ luật…

- Người tập sự bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời gian tập sự. Tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định các hành vi công chức bị kỷ luật gồm: Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức khi thi hành công vụ; bị Tòa án kết án…

Khi đó, việc hủy bỏ quyết định tuyển dụng phải được thực hiện bằng văn bản và người tập sự bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng được trợ cấp 1 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng cùng tiền tàu xe về nơi cư trú.

Như vậy, theo quy định hiện hành, có 2 trường hợp công chức tập sự không được tuyển dụng. Dù vậy, đối tượng này vẫn được hưởng trợ cấp, phụ cấp và tiền tàu xe.

Hoàng Mai