Sự kiện

Công bố vận hành chính thức Nền tảng Văn phòng điện tử tỉnh Kiên Giang

Vận hành nền tảng mới phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, kết nối liên thông văn bản đến Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Chiều 20/7, thông tin từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì Lễ công bố vận hành chính thức nền tảng Văn phòng điện tử tỉnh Kiên Giang.

Nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền số tỉnh Kiên Giang, thời gian qua được sự chấp thuận của Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai nền tảng Văn phòng điện tử đáp ứng các chức năng theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Nền tảng Văn phòng điện tử đảm bảo việc gửi, nhận văn bản của tỉnh Kiên Giang liên thông 4 cấp từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng quy trình xử lý văn bản của của Văn phòng UBND tỉnh theo Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 19/7/2021 và quy trình một bước theo Công văn số 9980/VP- HCTC ngày 14/12/2022.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút công bố Nền tảng Văn phòng điện tử tỉnh Kiên Giang tại địa chỉ https://vpdt.kiengiang.gov.vn/.

Đồng thời, đáp ứng quy trình xử lý văn bản tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND 15 huyện/thành phố, UBND 144 xã, phường, thị trấn và 22 đơn vị sự nghiệp, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.

Sau thời gian tổ chức triển khai thực hiện đến nay, nền tảng Văn phòng điện tử tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành. Nền tảng Văn phòng điện tử tỉnh Kiên Giang đi vào hoạt động sẽ hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính quyền số.

Nền tảng Văn phòng điện tử được cài đặt tại hạ tầng công nghệ thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Đây là hạ tầng Data Center đạt tiêu chuẩn Quốc tế (Tier 3), đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Nền tảng có cả giao diện Web và thiết bị thông minh tương thích với hầu hết các trình duyệt hiện nay nên người dùng có thể xử lý công việc trên các thiết bị như: Laptop, ipad, điện thoại thông minh…

Bên cạnh đó, Nền tảng được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại nên linh hoạt trong việc mở rộng chức năng, dữ liệu được quản lý tập trung.

Đặc biệt, phần mềm được tích hợp tính năng nổi bật như: Tính năng ký số văn bản đảm bảo tính pháp lý của toàn bộ các văn bản luân chuyển trên Nền tảng; Ứng dụng công nghệ nhận diện ký tự quang học (OCR) tự động nhận dạng bóc tách và trích xuất các thông tin dữ liệu cần thiết; Việc quản trị hệ thống để quản lý phân quyền, phân cấp quản lý, thiết lập vai trò người dùng được chặt chẻ, đảm bảo vấn đề về an toàn, bảo mật thông tin.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành cập nhật, thiết lập chữ ký số cá nhân và tổ chức cho các cơ quan, đơn vị với tổng số 346 chữ ký số cá nhân; 157 chữ ký số tổ chức.

Tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng cho 645 đơn vị gồm: 26 đơn vị sở, ban, ngành cấp tỉnh; 15 đơn vị Ủy ban nhân cấp huyện, thành phố; 144 UBND xã, phường, thị trấn và 460 đơn vị, phòng ban chuyên môn trực thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, với tổng số 2.314 người tham dự; cài đặt ứng dụng trên thiết bị di động cho 1.845 người.

Qua quá trình xây dựng, sử dụng thí điểm, đến nay Nền tảng Văn phòng điện tử đã đáp ứng để đưa vào vận hành, khai thác chính thức để phục vụ tốt cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành và xử lý hồ sơ công việc theo quy định hiện hành.