An ninh - Hình sự

Công an TP.HCM: Kiểm soát giấy đi đường là giải pháp tình thế

Đại diện Công an TP.HCM khẳng định, công tác kiểm soát lưu thông sẽ áp dụng công nghệ thông tin đồng bộ hơn so với hình thức giấy đi đường.

Chiều tối 9/9, UBND TP.HCM họp báo về tình hình phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, giấy đi đường chỉ là giải pháp tình thế, cần thiết để quản lý trong thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Về lâu dài, Công an TP.HCM hướng đến ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát lưu thông để nâng cao an toàn, gắn với giãn cách xã hội và phát triển kinh tế.

Tính đến ngày 9/9, Công an TP.HCM đã lắp đặt 108 camera quét mã QR ở 101 chốt kiểm soát trong tổng số 914 chốt trên địa bàn.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM.

Về cách thức tổ chức hoạt động của camera quét mã QR, đại diện Công an TP.HCM cho biết, hệ thống camera được hỗ trợ đọc mã QR hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) bộ Công an tại webiste kiemdich.dancuquocgia.gov.vn, nên không cần cấu hình, cài đặt phức tạp.

Thời gian quét mã QR của camera chỉ mất từ 2-5 giây. Sau đó, hệ thống của C06 sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân.

Ngoài việc các camera được sử dụng để quét mã QR, người dân còn có thể đưa tài liệu, giấy tờ lên trước camera để cán bộ chốt kiểm tra khi có yêu cầu.

Theo đánh giá của đại diện Công an TP.HCM, việc lắp đặt camera tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để thực hiện quét mã QR thay thế cho điện thoại thông minh của cán bộ trực chốt đã mang lại những lợi ích.

Thứ nhất là hạn chế tiếp xúc gần với công dân, tránh hiện tượng lây nhiễm cộng đồng. Đồng thời, sử dụng quét mã QR thông qua webcam cải thiện tốc độ quét so với quét qua camera của điện thoại và camera có sẵn trên máy tính laptop. 

Ngoài ra, tại các chốt cán bộ sử dụng máy tính/laptop kết nối với camera cho phép thao tác dễ dàng, thân thiện hơn.

Camera có dây nối kéo dài, đặt cố định giữ được khoảng cách, tránh tiếp xúc gây nguy cơ lây nhiễm giữa người khai báo y tế với cán bộ kiểm soát tại chốt. Khoảng cách giữa camera với người khai báo y tế khi xuất trình QR code tối đa 30 cm.

Tùy từng điều kiện tại chốt, cán bộ tại chốt có thể linh hoạt bố trí camera cho phù hợp; chú ý camera phải đặt tại vị trí ngay ngắn, cố định, tránh tình trạng rơi vỡ ảnh hưởng quá trình sử dụng.

Nói về hiện tượng máy quét bị lỗi tại một số chốt kiểm soát trong ngày 9/9, đại diện Công an TP.HCM xác nhận là có xảy ra do phần mềm cần thời gian cập nhật. Tuy nhiên, phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) đã xử lý xong, các máy đã hoạt động thuận lợi.

Tại họp báo, có câu hỏi về việc kiểm soát ra vào TP.HCM thực hiện như thế nào khi các địa phương vẫn phát hiện ra nhiều trường hợp đưa người từ TP.HCM về các địa phương trái phép.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, việc kiểm soát vận chuyện người, hàng hóa (bao gồm ma túy, hàng cấm, hàng giả) đã được Công an TP.HCM xây dựng kế hoạch, lên phương án thực hiện.

“Tuy nhiên, có những quy định kiểm soát xe "luồng xanh" nên việc kiểm tra trong xe chỉ thực hiện ở điểm dừng chứ không thực hiện trên tuyến đường đi, dẫn đến hiện tượng một số đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi xấu”, ông Hà chỉ ra.

Từ đó, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp, nắm tình hình, kết hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Thời gian qua, Công an TP.HCM đã xử lý nhiều trường hợp núp bóng xe cứu thương để vận chuyển ma túy khối lượng lớn.

Riêng với công tác đưa người dân từ TP.HCM về quê, đại diện Công an TP.HCM nhận thấy, các xe vận chuyển không đi từ TP.HCM về thẳng các tỉnh mà người dân được tập trung ở các vùng ven sau đó lên phương tiện để được vận chuyển.

Vì thế, việc kiểm soát đòi hỏi sự đồng bộ giữa công an các tỉnh thành và chính quyền các địa phương.