An ninh - Hình sự

Công an Tp.HCM cảnh báo 2 thủ đoạn lừa đảo mới

Theo đại diện Công an Tp.HCM, người dân khi có thắc mắc về ứng dụng VNeID có thể liên hệ với cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an gần nhất.

Ngày 28/11, đại diện Công an Tp.HCM cho biết, cơ quan này vừa phát đi có cảnh báo tới người dân về việc cảnh giác người lạ liên hệ qua số điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook…, tự xưng là công an rồi yêu cầu, hướng dẫn đăng ký, kích hoạt ứng dụng VNeID.

Theo Công an Tp.HCM, nhiều nhóm tội phạm lợi dụng việc người dân nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt VNeID, kẻ xấu đã gọi điện, sau đó gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật), kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đây là hình thức nhằm đánh cắp thông tin cá nhân người dân và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ung dụng VNeID. (Ảnh chụp màn hình).

Công an Tp.HCM khẳng định, lực lượng công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại, nhắn tin qua số điện thoại hay các mạng xã hội khác.

Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống (tải về từ CH Play đối với thiết bị Android, App Store đối với iPhone), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ các nguồn không chính thống, từ các đường link lạ. Người dân khi có thắc mắc về ứng dụng VNeID có thể liên hệ với cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an gần nhất, hoặc qua đường dây nóng Bộ Công an, Công an Tp.HCM, công an địa phương nơi cư trú.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an Tp.HCM cũng có cảnh báo thủ đoạn tội phạm lập các trang web, hội nhóm mạng xã hội giống các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để lừa đảo người đi xin việc.

Các nhóm lừa đảo dùng công nghệ để lập các trang web, mạng xã hội có tên miền, logo, hình ảnh… giống các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn khiến nhiều người đi xin việc không thể phân biệt được nên nộp hồ sơ, cung cấp thông tin cá nhân để xin việc.

Các trang web, hội nhóm giả mạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có đầy đủ logo, hình ảnh, địa chỉ, mã số thuế… nhưng tất cả thông tin này đều giả mạo doanh nghiệp, sau đó đăng tin tuyển dụng việc làm.

Khi người có nhu cầu tìm việc liên hệ, các nhóm lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên nhân sự để yêu cầu bị hại thực hiện theo yêu cầu để nhận việc. Nhóm lừa đảo sẽ sử dụng các hình ảnh giả mạo, được cắt ghép chỉnh sửa thành các “hợp đồng tuyển dụng”, “bản cam kết việc làm” và hứa hẹn mức thu nhập cao.

Từ đây, tội phạm lừa đảo sẽ bị yêu cầu chuyển khoản, đóng tiền ký quỹ để được nhận việc tại doanh nghiệp. Người lao động lầm tưởng đang được nhận việc từ các doanh nghiệp nên làm theo hướng dẫn, chuyển tiền và bị chiếm đoạt.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, với hình thức lừa đảo người xin việc nói trên, các nạn nhân không chỉ bị lừa tiền mà còn cung cấp nhiều thông tin cá nhân cho nhóm lừa đảo. Từ đây, tội phạm lừa đảo dùng dữ liệu cá nhân của các nạn nhân để thực hiện các hình thức lừa đảo tiếp theo.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo, người dân có nhu cầu tìm việc làm nên liên hệ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức hoặc trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn, tránh bị lừa mất tiền. Các công ty, doanh nghiệp nếu phát hiện bị mạo danh cần kịp thời công bố cảnh báo hành vi giả mạo, báo cáo cơ quan công an về hành vi giả mạo lừa đảo trên để đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật.