Sự kiện

Công an tỉnh Long An thông tin vụ phát hiện cơ sở gia công khẩu trang y tế trái phép

Qua điều tra, Công an tỉnh Long An xác định, vụ phát hiện cơ sở gia công khẩu trang y tế trái phép ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, không phải tái chế khẩu trang đã qua sử dụng mà mua khẩu trang bị lỗi về gia công lại bán kiếm lãi.

Chiều 10/4, Công an tỉnh Long An thông tin về vụ bắt giữ khẩu trang y tế và nước rửa tay vào ngày 3/4 tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa.

Cụ thể, Thượng tá Nguyễn Minh Sáng - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Long An cho biết: "Vụ việc này gây bức xúc trong dư luận, khi có thông tin hoài nghi các cơ sở này tái chế khẩu trang đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, qua xác minh, điều tra đã khẳng định, vụ việc trên không phải tái chế khẩu trang đã qua sử dụng mà mua khẩu trang bị lỗi về gia công lại bán ra thị trường".

Cơ quan chức năng phát hiện hộ bà Nguyễn Thị T. gia công khẩu trang y tế trái phép.

Lãnh đạo Công an huyện Đức Hòa thông tin thêm, dù không dùng khẩu trang đã qua sử dụng để tái chế nhưng vụ việc này có dấu hiệu hành vi sản xuất hàng giả.

Hiện tại, công an đang truy tìm Phạm Bảo Quốc để xác minh thêm, qua đó củng cố hồ sơ, nếu đủ yếu tố, điều kiện sẽ khởi tố theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, cơ quan điều tra của Công an huyện Đức Hòa cũng làm việc với công ty sản xuất khẩu trang để đối chiếu, xác định nguồn gốc khẩu trang phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Bích Th. và bà Nguyễn Thị T. ở ấp Mới 2.

Theo Công an tỉnh Long An, khoảng 9h ngày 3/4, tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, Công an huyện Đức Hòa phối hợp đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra nơi ở của hộ bà Nguyễn Thị Bích Th. thì phát hiện, thu giữ 24.300 khẩu trang y tế (hiệu VINAPRO); 521 chai nước rửa tay diệt khuẩn loại 100ml và 250ml.

Đồng thời, tại nhà bà Nguyễn Thị T. (gần nhà bà Th.), lực lượng kiểm tra thu giữ gần 6.500 khẩu trang (hiệu VINAPRO) chưa đóng gói, 216kg nguyên liệu làm khẩu trang (bị lỗi, thủng, rách).

148 bộ đồ bảo hộ, 268 chai nước rửa tay hiệu Bigcare, 96 can loại 5 lít/can nước rửa tay hiệu Seifa, 36 chai dung dịch màu xanh không nhãn hiệu, 30 lít dung dịch màu xanh không nhãn hiệu, 2 bàn ủi, hơn 600 vỏ hộp bao bì khẩu trang hiệu KENKO,...

Dụng cụ gia công, khẩu trang được bày lộn xộn trên bạt nhựa.

Sau đó, Công an huyện Đức Hòa mời bà Nguyễn Thị T. đến làm việc.

Thông qua buổi làm việc, bà T. khai nhận, thấy nhu cầu sử dụng khẩu trang và nước rửa tay của người dân tăng cao trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, bà liền gặp Phạm Bảo Quốc, SN 1985, ngụ huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước mua khẩu trang bị lỗi từ công ty đem ra ngoài bán.

Bà T. khai mua của Quốc nhiều lần, loại khẩu trang bị lỗi với giá 60.000 đồng/kg đem về hoàn thiện và bỏ vào bao bì nhãn hiệu HAFA VINAPRO và GAUZE MASK VINAPRO.

Bà cũng mua một số vỏ hộp bao bì hiệu HANDY MASK, KENKO nhưng không phù hợp nhãn hiệu nên không sử dụng.

Bên cạnh đó, bà T. khai, mua dung dịch nước rửa tay không rõ nguồn gốc và vỏ chai qua mạng xã hội của một đối tượng ở TP.HCM và đặt in logo về nhà chiết xuất vào chai để bán.

Dung dịch nước rửa tay được giao hàng tại địa bàn giáp ranh Đức Hòa - TP.HCM.

Đồng thời, bà T. cũng khai, đã bán ra thị trường 2 đợt khẩu trang với giá 180.000 đồng/hộp (hộp 50 cái) với tổng trị giá 20 triệu đồng.

Ngày 5/4, cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa khám xét phòng trọ của Phạm Bảo Quốc tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa.

Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, Phạm Bảo Quốc vẫn chưa ra trình diện, lực lượng công an vẫn đang tiến hành truy tìm.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Nguyễn Thị Bích Th. (ngụ ấp Mới 2) trần tình: “Tôi chỉ cho bà T. mượn chỗ để cất giữ hàng hóa, chứ không tham gia sản xuất, tái chế khẩu trang y tế”.

Đồng thời bà Th. khẳng định: “Các sản phẩm khẩu trang y tế tại nhà bà T. đều là hàng lỗi của công ty. Bà T. thấy hàng lỗi được bán rẻ nên mua về chỉnh sửa để bán kiếm lãi.

Bà ấy mới đem về làm được mấy ngày, chưa kịp bán ra thị trường thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Một số cái còn tốt, chúng tôi giữ lại sử dụng nên không phải hàng đã qua sử dụng”.

Nhóm người gia công khẩu trang y tế trần tình, khẩu trang được sử dụng chỉ bị lỗi chứ chưa qua sử dụng.

Thời điểm PV đến nhà bà T. để ghi nhận thêm thông tin thì người này đang làm việc tại cơ quan công an. Tiếp PV, con trai của bà T. cho biết: “Gia đình tôi không tái chế khẩu trang đã qua sử dụng mà chỉ dùng hàng lỗi do các công ty loại thải”.

Người này cho biết thêm: “Các sản phẩm này bị lỗi đứt dây, thiếu nẹp, không đúng thiết kế… nên bị loại thải. Khi mua về, mẹ tôi kêu mọi người chọn lọc lại một lần nữa. Nếu cái nào đảm bảo còn đủ 4 lớp và chỉ bị đứt dây, may chồng 2 cái… thì sẽ lấy lại chỉnh sửa”.

Một thanh niên làm việc cùng bà T. và bà Th. vào bên trong cơ sở lấy cho PV xem những mẫu khẩu trang y tế còn sót lại.

Người này nói: “Tất cả đều chưa qua sử dụng, có đủ 4 lớp, chỉ bị đứt dây, may chồng 2 cái... Những cái tốt chúng tôi còn giữ lại để sử dụng”.

Video: Lời trần tình của nhóm người gia công khẩu trang trái phép.