Góc nhìn luật gia

Con vay tiền, bố mẹ có phải trả nợ thay không?

Trong thực tế có rất nhiều trường hợp con cái nhỏ tuổi, lớn tuổi vay tiền mà không có khả năng trả hoặc cố tình không trả. Trường hợp này thì bố mẹ có phải trả nợ thay cho con hay không?

Độ đuổi tham gia vào các giao dịch dân sự cũng được pháp luật quy định khá chặt chẽ, bởi nhẽ, năng lực hành vi dân sự ảnh hưởng đến quyết định giao dịch dân sự có hiệu lực hay không. Bởi vậy, tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về điều kiện tham gia giao dịch của con chưa thành niên.

Cụ thể, giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó thực hiện.

Người từ đủ 6 đến chưa đủ 15 tuổi khi thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Trường hợp người vay đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải chịu trách nhiệm với các hành vi của mình.

Căn cứ vào các quy định nêu trên có thể khẳng định, nếu con chưa đủ 15 tuổi, các giao dịch đều phải do bố mẹ xác lập, thực hiện hoặc được sự đồng ý của bố mẹ. Nếu không được xác lập bởi bố mẹ thì hợp đồng sẽ vô hiệu.

Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập. Bởi vậy mà nếu giao dịch dân sự bị vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu. Khôi phục tình trạng ban đầu nghĩa là các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu có thiệt hại thì phải bồi thường.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Còn nếu là bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không hoàn trả được hoa lợi, lợi tức đó.

Còn nếu con đã đủ 15 tuổi trở lên vay tiền thì bố mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay, nghĩa vụ này thuộc về người con, trừ khi bố mẹ tự nguyện trả nợ thay cho con. Theo đó, chủ nợ không có quyền ép bố mẹ phải trả nợ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ tự nguyện trả nợ thay thì vẫn được công nhận. Phải chú ý rằng đây là sự tự nguyện.

Trên thực tế, nhiều trường hợp ép trả thay đã dẫn đến một số hành vi vi phạm pháp luật như: xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản.

Hoàng Mai