Đối thoại

Còn nhiều dư địa để phát triển thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Hiệp định TIFA có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về quan hệ hay đàm phán cơ chế song phương. Tuy nhiên, chưa được tận dụng triệt để.

Theo bà Barbara Weisel, Nguyên trợ lý Đại diện thương mại Hoa Kỳ nhận định về mối quan hệ song phương về thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới: “Muốn hiểu được đường hướng hợp tác trong tương lai, chúng ta cần hiểu được hiện tại chúng ta đang ở đâu”.

Quan hệ Việt - Mỹ đang ở đâu?

Bà Barbara Weisel cho biết, hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng hoá lớn thứ 9 của Mỹ và cũng đã có sự tăng trưởng quan hệ mạnh mẽ từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời ký kết nhiều hiệp định hợp tác trong thời gian qua.

Bà Barbara Weisel, nguyên trợ lý Đại diện thương mại Hoa Kỳ

Từ phía Mỹ, bà cho rằng kết quả trên có thể bắt nguồn từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đã có rất nhiều công ty của Mỹ chuyển dịch việc sản xuất từ thị trường Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Về phía ngược lại, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam và cũng là đối tác nhập khẩu lớn. Nếu như chúng ta nhìn xu hướng, kể từ khi Việt Nam tham gia vào WTO, thì xu thế tăng trưởng trong thương mại hàng hoá, dịch vụ giữa Mỹ và Việt Nam là rất rõ rệt.

Thời gian vừa qua, bất chấp nhiều vấn đề thương mại do Covid-19, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đạt được nhiều cột mốc đáng ghi nhận. Từ đó, bà tin rằng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn. 

“Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hoa Kỳ nhằm củng cố quan hệ thương mại giữa hai nước, cũng như trong khu vực”, bà nhấn mạnh.

Có thể thấy, hai nước đã đàm phán và tham gia vào những Hiệp định mới, tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần hướng tới sự linh hoạt việc triển khai một số cam kết trong những Hiệp định này. Phía Mỹ cho rằng, cần có một số cải cách, thay đổi cần thiết, thay vì đòi hỏi những điều khoản có lợi hơn, thì đơn giản chỉ cần cân nhắc lại về lộ trình, thời gian thực hiện những cam kết.

Tăng cường sự can dự trong Hiệp định, khuôn khổ kinh tế

Thứ nhất, về khuôn khổ Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA), đây là nền tảng quan trọng cho hai Chính phủ tiếp tục tận dụng trong thời gian tới. Bởi TIFA có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề về quan hệ hay đàm phán các cơ chế song phương.

Tuy nhiên, khi thảo luận về cơ hội để hai Chính phủ có thể hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai bên, TIFA lại không được tận dụng đầy đủ. Bởi mọi người thường coi đây là một dạng Hiệp định thương mại tự do, không nhìn nhận đúng đắn tầm quan trọng của Hiệp định này.

Hiệp định TIFA đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, tuy nhiên, chưa được tận dụng đầy đủ

Do đó, quan chức hai bên cần xây dựng lòng tin, đồng thời thúc đẩy hợp tác, triển khai sáng kiến khu vực và đa phương, cũng như đẩy mạnh đàm phán WTO. Hơn nữa, hai nước cũng cần cân nhắc, thảo luận thêm cơ chế hợp tác song phương trong khuôn khổ Hiệp định TIFA.

Bên cạnh đó, những lĩnh vực như quản trị số, chuyển tiếp năng lượng sạch, tạo thuận lợi cho thương mại và hải quan, cũng như các tiêu chuẩn về nông nghiệp và công nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ, tăng cường hợp tác hơn nữa.

Không chỉ vậy, một khuôn khổ khác có thể tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, đó là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là khuôn khổ hợp tác mới mà Tổng thống Biden đã công bố tại Hội nghị cấp cao Đông Á vào cuối tháng 10 vừa qua.

Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Barbara Weisel nhận định, sáng kiến này sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược kinh tế của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sáng kiến này vẫn đang trong quá trình xây dựng, Mỹ đang tích cực trao đổi với các quốc gia nhằm xây dựng một cách cụ thể hơn.

Trong đó, sẽ có những cơ chế tập trung vào nhiều vấn đề cụ thể như: luật lệ tiêu chuẩn, tăng cường hợp tác, biện pháp nhằm thuận lợi hóa thương mại, cũng như hỗ trợ cho chuỗi cung ứng, thúc đẩy tiến trình số hoá để chuyển đổi sang năng lượng sạch và phát triển bền vững.

Mỹ khuyến khích và đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - sáng kiến dưới thời Tổng thống Biden

Do đó, sự tham gia đóng góp của Việt Nam sẽ là điều quý báu cho những cơ chế trên. Từ đó, hai nước có thể đưa ra những cam kết tiêu chuẩn cao hơn, mục tiêu rõ ràng hơn, đồng thời xây dựng những khuôn khổ nhằm tăng cường sức cạnh tranh, bảo đảm lợi ích quốc gia cho Việt Nam.

Muốn như vậy, Việt Nam cần chuẩn bị để giải quyết một số vấn đề, thậm chí là những vấn đề còn đang nhạy cảm như quản trị số hay lao động. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng tin tưởng rằng Mỹ và Việt Nam có thể giải quyết bất kỳ vấn đề phát sinh nào, tương tự như cách hai bên đã làm trong đàm phán Hiệp định TPP hay các vấn đề thương mại khác

Bài phát biểu nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2021 với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới”. Sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham Hà Nội), Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ (USABC) và một số tỉnh/thành phố tổ chức.